"Bậc thầy ăn kiêng" tự phong
Linda Hazzard (1867 - 1938) - tên thật là Lynda Laura Burfield sinh ra tại Carver, Minnesota. Cuộc sống ban đầu của người phụ nữ này không có gì đặc biệt. Vào năm 1903, cô gặp gỡ Samuel Christman Hazzard - binh sĩ bị trục xuất khỏi đơn vị vì tội biển thủ quân quỹ.
Samuel là một gã bất hảo và nghiện ngập, song Linda yêu hắn say đắm và đồng ý kết hôn. Đến cơ quan đăng ký hôn sự, Samuel mới hay gã vẫn còn hôn thú với 1 trong 2 người vợ trước, kết quả là bị ngồi tù 2 năm.
Năm 1906, Samuel ra tù, đưa Linda tới Washington xây dựng cuộc sống mới. Hai vợ chồng mua nhà ở Olalla và mở một văn phòng ở Seattle. Mặc dù không hề theo học ngành y, Linda luồn lọt kiếm được một tấm giấy phép hành nghề ở Washington. Cô ta tuyên bố là "chuyên gia ăn kiêng", có thể chữa mọi bệnh tật trên đời thông qua phương pháp nhịn ăn, và biến ngôi nhà của mình thành một viện điều dưỡng tên Wilderness Heights.
Tại Wilderness Heights, Linda rao giảng một lý thuyết nghe khá... thuyết phục: hệ tiêu hóa cũng cần được nghỉ ngơi. Nếu mọi người chịu khó nhịn ăn vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng, bộ máy đường ruột sẽ chuyển sang cơ chế tự loại bỏ các độc tố, lấy lại sự cân bằng cho cơ thể và qua đó ngăn ngừa bệnh tật.
"Cái ăn là căn nguyên của mọi loại bệnh tật"
Kỳ thực, Linda không phải người đầu tiên tin vào thuyết nhịn ăn chữa bệnh. Bà ta bị ảnh hưởng bởi bác sĩ Edward Hooker Dewey (1837-1904, Mỹ), tác giả của cuốn sách "Không ăn sáng và Chữa bệnh bằng nhịn đói" (The No-Breakfast Plan and the Fasting-Cure, 1900).
Dewey cho rằng, mọi bệnh tật ở người đều do... ăn nhiều. Vì thế, bớt ăn và nhịn ăn sẽ giải quyết được mọi vấn đề về sức khỏe. Ngay khi cuốn sách của ông ra mắt, Tạp chí Y khoa của Anh đã kịch liệt phản bác, phê phán đó là "suy nghĩ thiển cận nhất trần đời". Dù vậy, không ít người vẫn bị nó thuyết phục.
Sau khi Linda mở Wilderness Heights và thực hiện các cuộc "thuyết trình y tế" về "y học nhịn ăn", người bệnh ở Washington ùn ùn kéo tới. Đa phần họ còn là những người có điều kiện kinh tế. Năm 1908, bà ta cho xuất bản cuốn sách Ăn chay Trị bệnh.
"Cảm giác thèm ăn là sự thèm khát. Đói cũng như ham muốn. Ham muốn thì không bao giờ thỏa mãn, nhưng sự thèm khát lại được xoa dịu bởi miếng ăn," - Linda viết. Cũng như Dewey, nữ lang băm này tin "cái ăn là căn nguyên của mọi loại bệnh tật".
Ép nhịn đói kết hợp bạo hành
Trong khi Dewey chỉ khuyến khích ăn ít đi là chính, Linda lên kế hoạch loại bỏ thức ăn ra khỏi thực đơn. Bà ta chỉ cho người bệnh uống một chút nước ép cà chua hoặc măng tây, hay vài giọt nước cam mỗi ngày. Chưa hết, bà "lang băm" này còn bắt bệnh nhân uống thuốc xổ, kèm theo massage bạo lực đến thâm tím mình mẩy.
Trong năm 1908, có 2 người bệnh ở Wilderness Heights qua đời. Đó là 2 mẹ con người Na Uy nhập cư giàu có Daisey Maud Haglund (38 tuổi) và Ivar (3 tuổi), thiệt mạng sau 50 ngày nhịn ăn.
Sau cái chết của mẹ con Daisey - Ivar, Wilderness Heights liên tục có người bệnh bị chết. Linda thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho các căn bệnh họ đã mắc trước khi đến viện điều dưỡng của mình. Bà ta còn tự tay khám nghiệm tử thi, thu thập kết quả điều trị.
Năm 1910, kỹ sư xây dựng trẻ Earl Edward Erdman (24 tuổi) vì mắc chứng khó tiêu mà tìm đến Linda. Anh cẩn thận ghi nhật ký quá trình điều trị trong gần 2 tháng, bắt đầu từ ngày 1/2/1910. Theo những gì ghi lại, suốt quá trình này Erdman chỉ có bữa sáng là vài thìa nước cam hoặc nhịn đói, bữa trưa nhịn đói hoặc uống một chút nước luộc rau quả, bữa tối cũng nhịn đói hoặc ăn một chút súp hay nước ép thực vật.
Và cuối cùng vào ngày 28/3, anh chết vì đói.
Sau Erdman, Linda đón Lewis E. Rader - cựu nhà lập pháp của Washington. Ông bị đau dạ dày và sau 37 ngày trị liệu thì mất mạng trong tình trạng gầy đét, cân nặng không tới 45kg.
Vào tù ra tội vẫn tiếp diễn lừa đảo chữa trị, gây chết người
Cũng trong năm 1910, Linda nhận cặp chị em bệnh nhân tỷ phú nổi tiếng Claire và Dorothea Williamson (Anh). Họ đọc được lời giới thiệu về cuốn "Ăn chay Trị bệnh" trên một tạp chí, lập tức đặt mua cuốn sách và tìm tới tận Wilderness Heights.
Sau vài ngày bị ép nhịn đói, xoa bóp bạo lực và thụt rửa ruột đau đớn đến phát ngất, chị em Williamson biết rằng họ đã bị lừa. Linda còn không ngừng dò hỏi khối tài sản của họ, và trước đó bà ta đã thành công thừa kế nhà cửa của một bệnh nhân giàu có qua đời trong "viện điều dưỡng" của mình.
Hai tháng sau, Margaret Conway - bảo mẫu của chị em Williamson nhận được một bức thư cầu cứu. Bà lập tức bắt thuyền tới Seattle và hay hung tin, Claire đã mất còn Dorothea đang sống dở chết dở. Margaret đòi đưa Dorothea đi nhưng bị Linda cản trở. Bà ta đã lấy được giấy ủy nhiệm toàn bộ tài sản của chị em Williamson và quyền bảo hộ Dorothea suốt đời. Margaret phải cầu cứu John Herbert là chú của Dorothea ở bang Oregon, xin ông bỏ tiền "chuộc thân" cho cháu gái.
Ngày 11/8/1911, Linda bị bắt vì tội sát hại Claire Williamson. Bà ta không bao giờ thừa nhận tội trạng, nhưng vẫn bị kết án 2 - 20 năm lao động khổ sai trong tù ở Walla. Tháng 12/1915, Linda được phóng thích ân xá. Bà ta chuyển tới New Zealand, tiếp tục hành nghề và lại bị bắt, nhưng lần này chỉ là phạt hành chính.
Năm 1920, Linda trở lại Olalla. Bất chấp tai tiếng khiến chí ít 15 người bệnh thiệt mạng, bà lang băm vẫn được một phần dân chúng Washington tín nhiệm. Linda mở "Trường y tế", tiếp tục nhận bệnh nhân và điều trị bằng ép nhịn ăn, khiến thêm nhiều người thiệt mạng "không rõ nguyên nhân".
Năm 1938, Linda bị ốm và tự "bỏ ăn trị liệu", cuối cùng chết vì đói vào ngày 24/6 ở tuổi 70.
Theo Vũ Huế (Báo Dân Sinh)