Năm 2002, tạp chí New York Times đã giành chiến thắng Giải Pulitzer về Nhiếp ảnh cho Tin tức Nóng. Và thứ giúp họ đạt được giải thưởng này là những bức ảnh kinh hoàng, đau xót nhưng đầy khoảnh khắc về sự kiện khủng bố ngày 11/9.
Việc chụp ảnh, đưa tin về một sự kiện nóng luôn là một vấn đề nhạy cảm. Các nhiếp ảnh gia và phóng viên ảnh sẽ gặp phải sự đấu tranh rất lớn trong nội tâm, khi thứ họ chụp có thể sẽ là khoảnh khắc cuối cùng của hàng trăm con người. Ranh giới giữa chuyên nghiệp và máu lạnh là rất mong manh, giống như những gì phóng viên ảnh Richard Drew từng phải nhận sau khi thực hiện bức hình "Người đàn ông rơi" (The Falling Man) lúc tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ.
20 năm đã qua, vết thương của nước Mỹ vẫn chưa lành. Nhưng còn những người trực tiếp làm nên những tấm hình lan tỏa đi khắp thế giới của New York Times ngày hôm ấy, họ cảm thấy như thế nào?
Kelly Guenther
Tôi đang xem tin tức lúc chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC). Vội vàng vơ đồ, tôi chạy đến khu Brooklyn Heights. Đồng nghiệp chỉ cho tôi thấy một chiếc máy bay đang lướt ngang qua Tượng Nữ thần Tự do, và tôi hiểu mình đang phải chứng kiến điều gì. Đó là khoảnh khắc hàng trăm người đang chuẩn bị chết.
Tôi đã nhớ mình chỉ lặp đi lặp lại suy nghĩ "Ôi không", nhưng rồi trấn tĩnh lại, hít một hơi thật sâu và tự nhủ: "Đây là lịch sử. Phải làm việc của mình". Tôi rút máy ảnh, căn khung giữa trời, và chờ đợi chiếc máy bay tiến vào.
Angel Franco
Tôi chỉ biết cố gắng không nhớ lại ngày hôm ấy, cái ngày tôi đã phải chứng kiến sự mất mát kinh hoàng nhất của người New York: Con mất cha, mẹ mất con, bạn bè vĩnh viễn ly biệt. Chẳng đêm nào tôi được ngon giấc, ác mộng trở thành điều bình thường kể từ ngày 11/9.
Chang Lee
Là những chữ "nếu". Nếu như hôm đó tôi đã không đổi ống tele vào máy ảnh của mình từ trước đó 2 ngày? Nếu hôm đó tôi không đi về phía Tây, vì con đường thường đi đã bị chặn lại? Nếu như tôi không dừng lại đúng khoảnh khắc ấy, sau khi chạy thục mạng đến tòa WTC. Và nếu như tôi không nhìn lên tòa nhà đang cháy rồi nghĩ "Có lẽ nó sắp sụp xuống đến nơi rồi."
Đến tận bây giờ, tôi vẫn không rõ vì sao số phận đưa đẩy tôi chụp được tấm ảnh này.
Ruth Fremson
Tôi nghe thấy tiếng kính vỡ, rồi những giọng nói vang vọng từ cột bụi khổng lồ sau khi tòa tháp đầu tiên sụp đổ. Tôi bò ra khỏi chiếc xe cấp cứu mình đang núp, hướng đến âm thanh phát ra từ một cửa hàng trên đường Vesey.
Và tôi chứng kiến một cảnh siêu thực. Cảnh sát, cứu hỏa lẫn dân thường nằm sóng soài trên mặt đất, hớp từng hớp không khí, miệng nhổ ra hàng đống bùn đất dưới ánh sáng mờ ảo từ chiếc tủ kính chứa đồ ăn. Sĩ quan Richard Adamiak cúi gập người, ho rũ rượi. Ở nơi ấy, đáng lý ra sẽ có nắng ấm của một buổi sáng tháng 9 đẹp trời. Nhưng thời khắc đó mọi thứ chìm vào bóng tối.
Sau một vụ tấn công khủng bố, con người ta thường bỏ qua sự khác biệt mà trở nên đồng lòng hơn - ít nhất là trong một khoảng thời gian. Lá cờ nước Mỹ rợp khắp các khung cửa sổ khu căn hộ Park Avenue. Những đài tưởng niệm mọc lên khắp nơi trong thành phố. Những buổi lễ thắp nến cầu nguyện cũng được tổ chức thường xuyên hơn. Mọi người tìm đến nhau, hỗ trợ nhau, cố gắng thể hiện mặt tốt nhất của mình. Nhưng rồi dần dần, mọi thứ lại trở nên chia cắt.
Krista Niles
Phải mất một lúc lâu trong buổi sáng hôm đó, tôi mới tìm ra con đường vượt qua những rào chắn cảnh sát đặt xung quanh nơi diễn ra vụ khủng bố. Khi trèo qua chiếc dây ngăn cách, đập vào mắt tôi là hình ảnh của 2 người lính cứu hỏa. Họ bước đi rất nhanh, và tôi nghe rất rõ cuộc hội thoại giữa cả hai. Tôi hiểu rằng họ đang tìm kiếm một người lính cứu hỏa khác từ đội 21, và hình như đã tìm thấy.
Đội tìm kiếm bảo với một người rằng em trai anh ta - cũng là lính cứu hỏa - đã ở trong một tòa tháp khi nó sụp xuống, và có lẽ đã chết rồi. Vai anh chùng xuống, đồng đội ôm lấy anh để chia sẻ nỗi đau, và tôi đưa máy lên chụp.
Tôi đã ước rằng khuôn mặt của họ được rõ ràng hơn trong tấm ảnh. Nhưng sau này, tôi nghĩ mình trân trọng sự ẩn danh ấy hơn. Với tôi, họ là một biểu tượng cho sự mất mát khủng khiếp mà rất nhiều người đã phải đối mặt trong ngày hôm đó.
Andrea Mohin
Bức ảnh tôi chụp là ở cầu Brooklyn chỉ vài giây sau khi tòa nhà thứ 2 đổ sụp. Rất nhiều người sống sót đang tràn ra từ đám khói bụi khổng lồ.
Tôi gặp Joseph Sylvester - người bảo rằng anh ta làm việc tại Trung tâm Tài chính Thế giới trong WTC. Toàn thân Joseph phủ đầy tro bụi, trên đầu bị rách chút ít do một mảnh vỡ va phải. Anh bảo mình đang tìm cha - người cũng làm việc ở khu vực đó.
Tôi không thể quên được hình ảnh bình tĩnh và lặng lẽ mà họ thể hiện ra lúc ấy. Tôi đã tưởng rằng ai cũng sẽ sốc và sợ hãi. Nhưng không. Họ lặng lẽ, chậm rãi tiến về nơi trú ẩn mà thôi.
Krista Niles
Người trong bức ảnh này là Michele Defazio. Với tôi, tấm ảnh giống như một lời nhắc nhở về lòng tốt của những người xa lạ, mà 11/9 năm nào tôi cũng nhớ về cô ấy.
Tôi đã chứng kiến Michele lững thững bước một mình trên con đường Bowery, nơi đã dựng sẵn một trạm báo tin mất tích. Cầm trên tay tấm tờ rơi in hình của chồng, cô lê những bước nặng nề, bị nhấn chìm trong nỗi đau và khổ sở.
Michele dừng lại, nấc lên, những người xung quanh cũng ngưng bước. Họ đến an ủi cô. Một bức ảnh của khoảnh khắc được thực hiện, và nó thắng giải Pulitzer.
Sau khi nhận giải, tôi đã gọi cho Michele. Tôi cần phải báo cho cô ấy biết rằng câu chuyện của cô có ý nghĩa thế nào với lịch sử. Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi và gượng gạo, tôi biết rằng Michele vẫn đang cố làm việc để vượt qua nỗi đau mất đi Jason - chồng cô, đồng thời đang lập ra một quỹ học bổng mang tên anh.
Ngày định mệnh ấy, 658 người của ông ty Cantor Fitzgerald - bao gồm cả Jason - đã chết.
George Gutierrez
Ngày hôm đấy, nhiệm vụ của tôi là đám tang của một nhân viên cấp cứu qua đời sau vụ tấn công.
Truyền thông thế giới cũng ở đó, nhưng sau tang lễ tất cả đều thu dọn đồ và rời đi. Tôi đã ở lại, dự nốt lễ tiễn đưa. Đưa máy lên, tôi bấm lấy 3 kiểu trong cảnh trời mưa lác đác, tấm cuối cùng rơi vào đúng khoảnh khắc Jay Robbins bật khóc.
Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc đó. Robbins rơi lệ ngay ở thời điểm nhạc nổi lên. Lòng tôi nặng trĩu mỗi lần nhìn lại tấm ảnh này vì cảm giác nhận được khi ấy, đau đớn đến xé lòng.
Nancy Siesel
Những tuần sau ngày 11/9, tôi phụ trách hình ảnh về hậu quả của nó. Những gì còn sót lại sau vụ tấn công ở Brooklyn thật ảm đạm và cay đắng.
Tôi bắt gặp một chiếc xe cứu hỏa không còn cửa sổ, cũng không còn màu sơn đỏ tươi mà bị bao phủ bởi tro bụi trắng đục đang được kéo về trạm. Nhìn về hướng khác, tôi thấy một cảnh tượng đầy cảm xúc: Trung úy Matt Nelson (bên trái bức hình) đang che mặt, trong khi Tom Castelli - người lái chiếc xe cứu hỏa hư hại kia, cũng là người sống sót duy nhất trên chiếc xe đó - đang ôm lấy một cậu bé. Cậu bé đó là con trai của Trung úy Bob Wallace, người đã thiệt mạng sau vụ tấn công.
Khoảnh khắc ấy đến giờ vẫn còn khiến tôi bị ám ảnh.
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)