Nạn nhân trong vụ án này là Atsuko Yasuoka, 31 tuổi, một nhân viên quán rượu xinh đẹp, thân thiện, được lòng nhiều khách hàng. Vui vẻ, hòa đồng là điều bất kỳ nhân viên phục vụ nhà hàng nào cũng nên có nhưng chính Atsuko cũng không ngờ điều này đã đẩy cô đến cõi chết vì lòng ganh ghét, đố kỵ của người bạn làm cùng là Fukuda Kazuko, mẹ của 4 đứa con. Cả 2 cùng làm việc chung cho một quán rượu ở thành phố Matsuyama, tỉnh Ehime (Nhật Bản).
Ngày 19 tháng 8 năm 1982, Fukuda đã bóp cổ Atsuko đến chết tại nhà riêng của nạn nhân. Sau khi gây án, Fukuda cướp đi tiền mặt và hơn 300 món đồ (bao gồm nội thất và sổ tiết kiệm) trị giá 9,5 triệu Yên. Cảnh sát cho biết, động cơ gây án là Fukuda túng quẫn, không thể trả nợ cho công ty tài chính, lại sẵn có lòng ghen tỵ với bạn đồng nghiệp. Bởi theo điều tra vào thời điểm đó, Fukuda đang mắc nợ và phải trả đến khoảng 100.000 yên/tháng trong khi bản thân không dư dả, lại không được yêu thích và nhận nhiều lợi ích như Atsuko.
Chuyện xảy ra không có ai biết ngoài chồng của Fukuda. Người đàn ông này ban đầu cũng khuyên vợ đầu thú nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì ông ta lại bao che cho tội lỗi của vợ, thậm chí còn cùng cô ta đưa thi thể nạn nhân lên núi phi tang. Sau khi đã "giải quyết gọn gàng" cái xác, Fukuda chuyển hết đồ nội thất cướp được đến căn hộ của... tình nhân bí mật! Âm mưu của cô ta là ngụy tạo như nạn nhân Yasuoka là một con vợ và phải bán tống bán tháo đồ đạc rồi biến mất trong đêm.
Tuy nhiên kế hoạch của Fukada nhanh chóng bại lộ nhưng khi cảnh sát ập tới bắt giữ, cô ta đã mang theo 600.000 yên bỏ trốn, để lại người chồng một mình chịu tội.
Fukada vốn là một người "tung hoành giang hồ" trong quá khứ và cô ta cũng thừa biết rằng "lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát". Nhưng có một chi tiết đáng chú ý là Nhật Bản thời bấy giờ có một điều luật rằng kẻ giết người sẽ "không bị truy tố" sau 15 năm nếu chưa bị bắt (sau này đã thay đổi thành vô thời hạn). Điều này đồng nghĩa với việc Fukuda có thể sẽ trở thành người vô tội nếu cô ta "ẩn thân" được trong vòng 5.475 ngày.
Quãng đường trốn tội của "sát thủ 7 khuôn mặt"
Vậy là suốt quãng thời gian 14 năm 11 tháng sau đó, Fukada sống chui sống lủi qua vô số hòn đảo trên đất nước mặt trời mọc để thoát khỏi sự truy lùng của cảnh sát. Có thể nói cô ta đã phải nỗ lực không ngừng để không bị bắt giữ.
Ban đầu, Fukuda gặp khó khăn khi tìm việc làm nhân viên phục vụ do tuổi đã khá cao. Tuy nhiên, cuối cùng cô ta đã được nhận vào làm tại một câu lạc bộ “ăn nhẹ” ở thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa - cách Matsuyama khoảng 620km.
2 ngày sau, cô ta lên bàn phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi diện mạo, cụ thể là sửa mũi và mắt, tại một bệnh viện ở Tokyo. Sau lần đó, cô ta tiếp tục làm thêm một số cuộc phẫu thuật nữa để thay đổi diện mạo nhằm tránh sự chú ý của cảnh sát. Cũng chính vì điều đó mà cô ta được truyền thông Nhật Bản đặt cho cái tên “Sát thủ 7 khuôn mặt”.
Cô ta di chuyển hết nơi này đến nơi khác và không hiểu vì lý do gì, cứ mỗi lần sắp bị bắt thì cô ta luôn đi trước cảnh sát một bước, kịp tẩu thoát trước khi cảnh sát ập đến. Khi làm việc tại câu lạc bộ ở Kanazawa vào khoảng tháng 9 năm 1985, cô ta bắt đầu chung sống với một khách hàng nam, chủ một cửa hàng bánh kẹo lâu đời.
Sau khi được người yêu cầu hôn, Fukuda không nhận lời ngay vì sợ rằng quá khứ của mình sẽ bị bại lộ. Một người thân của người làm bánh kẹo sau đó đã nghi ngờ và báo với cảnh sát. Ngày 12/2/1988 khi cảnh sát đột kích, người phụ nữ một lần nữa rời đi thành công, đạp xe suốt 235km đến thành phố Nagoya.
Trong suốt 1 thập kỷ tiếp theo, Fukuda làm việc tại một cặp khách sạn ở Nagoya và một nhà thổ ở thành phố Osaka trước khi đến sống ở Fukui.
Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát
Bước ngoặt của vụ án diễn ra vào ngày 24 tháng 7 năm 1997, khi một khách hàng nam 59 tuổi tại một nhà hàng lẩu oden ở thành phố Fukui đã báo cáo với cảnh sát về một người phụ nữ trông rất giống Fukuda. Lúc này, thời hạn 15 năm sắp hết nên cảnh sát cũng "nóng ruột" muốn tóm gọn Fukuda lắm rồi. Họ treo thưởng những 1 triệu Yên cho ai cung cấp thông tin về nơi ở của bà ta.
Vào thời điểm đó, Fukuda đang sử dụng bí danh "Yukiko Nakamura." Vào khoảng 2 giờ chiều ngày 29 tháng 7 năm 1997, cảnh sát đã đến nhà hàng để thẩm vấn bà ta. Trong buổi thẩm vấn, Fukuda vẫn tiếp tục uống rượu và còn từ chối lấy dấu vân tay. Tuy nhiên, cảnh sát đã dùng dấu vân tay trên cái chai mà bà ta cầm và nhanh chóng có kết quả dấu vân tay trùng khớp với Fukuda. Khoảng 6h40 chiều cùng ngày, Fukuda bị bắt giữ. Cô ta không thể tẩu thoát được nữa và phải thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Trang nhất của tờ báo Ehime Shimbun số ra ngày 29 tháng 7 năm 1997 chạy dòng tít lớn: “Nghi phạm Kazuko Fukuda bị bắt" như một lời thông báo cho "chiến công" hiển hách của cảnh sát sau gần 15 năm đằng đẵng đuổi theo kẻ sát nhân.
Hồi ký "Thung lũng nước mắt" hé lộ tuổi thơ bất hạnh
Tháng 5/1999, tòa án tuyên án Fukuda Kazuko tù chung thân. Trong thời gian thi hành án, Fukuda đã chắp bút một quyển hồi ký có tựa "Thung lũng nước mắt". Fukuda sinh ra trong gia đình túng quẫn, bố bỏ đi, còn mẹ mở nhà thổ ngay tại căn hộ. Năm 1966, khi mới 18 tuổi, Fukuda đã trở thành kẻ bất hảo và thực hiện vụ trộm cắp ở nhà Cục trưởng Cục thuế Nhật Bản, nhận về án tù thích đáng.
Thế nhưng quãng thời gian sống trong ngục tù đã khiến cuộc đời người phụ nữ này "điêu đứng". Đằng sau chấn song của nhà tù Matsuyama, một số băng nhóm tội phạm đã hối lộ cho quản ngục để uống rượu, hút thuốc, đánh bạc và cả cưỡng hiếp phụ nữ. Trong đó, Fukuda cũng là một nạn nhân.
Các cuộc điều tra đã không tiến hành đến nơi đến chốn vào thập niên 60. Chỉ đến khi hồi ký của Fukuda được xuất bản, nhiều người mới bàng hoàng với những tội ác trong quá khứ, tuy nhiên lúc đó đã quá muộn khi các vụ án hết hiệu lực từ lâu rồi.
Sau quyển sách "Thung lũng nước mắt", Fukuda vẫn tiếp tục trả giá cho những tội ác khó lòng dung thứ của mình. Đến năm 2005, bà đột ngột ngất xỉu trong lúc lao động, được đưa đến bệnh viện nhưng bị xuất huyết não và không bao giờ lấy lại nhận thức. "Người phụ nữ 7 khuôn mặt" đã qua đời ngày 10/3/2005 ở tuổi 57.
Nguồn: Tokyoreporter
Theo L.T (Pháp Luật & Bạn Đọc)