Nhắc tới Hoàng đế Napoleon Bonaparte, nhiều người không cảm thấy xa lạ bởi ông là vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử với những chiến công hiển hách. Ông nổi tiếng là một nhà quân sự, nhà chính trị, và là vị hoàng đế xuất chúng của nước Pháp đầu thế kỷ 19.
Cuộc đời của ông tốn không ít giấy mực của hậu thế và cả công sức, thời gian của các nhà nghiên cứu lịch sử. Đặc biệt, câu chuyện về thứ được cho là "của quý" của Napoleon đến nay vẫn là một bí ẩn mà chưa đến bao giờ người ta mới có câu trả lời chính xác...
Ngược dòng lịch sử
Trở lại năm 1821, địa điểm là hòn đảo Saint Helena thuộc vùng biển Đại Tây Dương. Theo lời bác sĩ riêng của Hoàng đế Napoleon, Francesco Antommarchi, ông qua đời vì bệnh ung thư dạ dày giống như cha của mình. Kể cả nguyên nhân cái chết của Napoleon đến nay vẫn là một dấu hỏi lớn nhưng khoan hãy đề cập đến vấn đề đó mà tập trung vào câu chuyện hành trình lưu lạc của dương vật của người đàn ông này.
Trước sự chứng kiến của đám đông khoảng 17 người, trong đó bao gồm 7 bác sĩ người Anh, 2 hầu cận của Napoleon, linh mục Vignali và người đầy tớ Ali, bác sĩ Antommarchi đã cắt bỏ gan và ruột của Napoleon và thả chúng vào bình rượu etylic để khám nghiệm tử thi. Trong quá trình này bác sĩ Antommarchi lợi dụng sự hỗn loạn của đám đông để cắt bộ phận dương vật và giấu đi.
Việc ai là người cất giấu dương vật của hoàng đế cũng trở thành đề tài gây tranh cãi. Một số tài liệu cho biết nhân chứng kể rằng hoàn cảnh khi ấy hơi lộn xộn và mặc dù cuộc khám nghiệm có sự chứng kiến nhiều người nhưng vẫn có 2 nhân vật có thể tiếp cận riêng với xác của hoàng đế. Người viết lại tiểu sử của Napoleon là Robert Asprey khẳng định đó là bác sĩ Antommarchi và linh mục Vignali.
Hành trình vượt Đại Tây Dương
Ban đầu, dương vật được giao cho linh mục Abbé Ange Vignali. Ông này đã đưa nó vượt qua Đại Tây Dương đến Corsica, quê hương của hoàng đế Napoleon. Khi vị linh mục qua đời, dương vật được gia đình ông thừa kế và cất giữ cho đến năm 1916. Nó được trao cho em gái của linh mục Vignali và sau đó là con trai của bà, ông Charles-Marie Gianettini.
Thế rồi, ông Gianettini đã tìm cách bán di vật và trưng bày nó như một “chiếc gân được lấy từ cơ thể của Napoleon trong quá trình khám nghiệm tử thi". Năm 1916, một nhà sưu tập người Anh Maggs Bros đã chính thức mua chiếc hộp đựng thứ được cho là "của quý" của Napoleon từ tay ông Gianettini.
Hành trình đến Mỹ
Đến năm 1924, Maggs Bros đã bán món "đồ cổ" này cho nhà bán sách cổ vật huyền thoại người Mỹ, Tiến sĩ ASW Rosenbach, ở Philadelphia với giá 400 bảng Anh (12,7 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại).
Tiến sĩ Rosenbach, một nhà sưu tập lập dị người Mỹ, đã liên tục "khoe khoang" về sự sở hữu đáng tự hào của mình trong các bữa tiệc và cuộc họp. Ông cũng cho Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan mượn nó trong một thời gian rất ngắn. Bảo tàng trưng bày nó trên một tấm đệm nhung nhỏ.
Tạp chí Time từng miêu tả: "Nó trông giống như một dải dây giày da hoẵng bị co lại hoặc một con lươn bị teo lại". Chính xác thì vật này có kích thước nhỏ, nhìn bề ngoài chỉ có vẻ hơi giống dương vật, lại thêm điều kiện bảo quản dường như không hoàn hảo nên trông xù xì như miếng da thuộc và sẽ rất mơ hồ nếu đưa ra một kết luận cụ thể khi quan sát nó.
23 năm sau, chiếc dương vật được Tiến sĩ Rosenbach bán cho nhà sưu tập Donald Hyde. Sau khi Hyde chết, vợ của ông đã bán lại dương vật cho John Fleming.
Fleming sau đó đã bán dương vật cho Bruce Gimelson với giá 35.000 USD (805 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại). Rồi Gimelson lại ký gửi nó cho Christie's ở London để bán đấu giá và ở đó bác sĩ tiết niệu John Lattimer đã giành về quyền sở hữu.
Cuối cùng, vào năm 1977, Lattimer đã quyết định chấm dứt hành trình di chuyển tứ xứ của cổ vật và không muốn thu hút thêm sự chú ý của dư luận nữa bằng cách cất kín nó dưới gầm giường của mình và từ chối không cho bất kỳ ai muốn xem.
Kể từ đó, rộ tin đồn có người đã trả giá tới 100.000 USD. Nếu lời đề nghị là có thật, thì bác sĩ Lattimer sẽ có tổng lợi tức đầu tư lên tới 3.200%. Giả sử Lattimer quyết định chia tay với dương vật, thì nó sẽ là khoản đầu tư sinh lời cao hơn cổ phiếu của Facebook, Google, Microsoft hay thậm chí cả Apple nữa.
Chẳng hạn, vào ngày 18 tháng 5 năm 2012, cổ phiếu của Facebook được định giá là 38 USD. 6 năm sau, vào ngày 7 tháng 8 năm 2018, giá cổ phiếu vào khoảng 185 USD. Đây là mức lợi tức đầu tư gần như 500% trong khoảng thời gian 6 năm, cho thấy dương vật của Napoleon có khả năng sinh lời gấp 6 lần rưỡi so với Facebook.
Khi Lattimer qua đời vào năm 2007, dương vật nổi tiếng của Napoleon đã được bà Evan, con gái giáo sư kế thừa. Không có tin tức về thay đổi chủ sở hữu kể từ đó. Vào ngày 10 tháng 5 năm 2011, Tạp chí Time có đăng bài viết, tựa đề Napoleon’s Penis as one of the “10 most famous stolen body parts” (Dương vật Napoleons là 1 trong 10 bộ phận cơ thể bị đánh cắp nổi tiếng nhất thế giới xưa và nay).
Theo L.T (Pháp Luật và Bạn Đọc)