Nếu đang ở Mỹ và thường xuyên tới thăm các cửa hàng tạp hóa địa phương trong thời gian gần đây, nhiều khả năng bạn vẫn sẽ gặp phải tình trạng những đồ dùng thiết yếu như giấy vệ sinh, giấy lau bếp và các chất tẩy rửa nhà vệ sinh đều cháy hàng.
Các chủ cửa hàng lý giải nguyên nhân các kệ hàng của họ vẫn trống rỗng như sau: đối mặt với nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu là rất cao, các nhà cung cấp hàng tiêu dùng lớn đang ưu tiên các khách hàng lớn nhất như Walmart và Amazon. Do đó các cửa hàng nhỏ không thể tiếp cận được những sản phẩm chủ chốt này, dẫn đến mất khách và càng chật vật hơn trong cuộc chiến để sống sót trước các chuỗi siêu thị lớn.
Đây không phải là 1 vấn đề hoàn toàn mới. Kể cả trước dịch, các cửa hàng tạp hóa nhỏ đã thường xuyên phàn nàn rằng họ không thể có được một số sản phẩm vì không cạnh tranh nổi với các chuỗi lớn. Tuy nhiên Covid-19 đã khiến vấn đề trầm trọng hơn nhiều lần.
Hiện không có dữ liệu thống kê chi tiết về tình trạng này. Tuy nhiên Burt Flickinger, chuyên gia tư vấn tại Strategic Resource Group, đã cùng các nhân viên tới thăm các cửa hàng trên khắp đất nước mỗi tuần và họ rút ra kết luận các chuỗi siêu thị có nguồn cung tốt hơn rất nhiều so với các cửa hàng độc lập.
Các cửa hàng tạp hóa độc lập – mà thường tọa lạc ở các cộng đồng thu nhập thấp và những vùng nông thôn – mua hàng từ các nhà bán buôn cỡ nhỏ và vừa. Các nhà bán buôn này có quan hệ với các công ty thực phẩm và hàng tiêu dùng lớn, nhưng khách hàng lớn nhất của các công ty này lại là Walmart, Amazon và những chuỗi bán lẻ lớn khác.
Được biết đến là "những người mua quyền lực", từ nhiều năm nay các nhà bán lẻ lớn vẫn có lợi thế vì họ mua hàng với số lượng rất lớn. Do đó họ trở thành đối tượng ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa họ cũng thường xuyên nhận được ưu đãi và được giới thiệu sản phẩm mới sớm hơn.
Một số công ty sản xuất hàng tiêu dùng đã hủy đơn mua của các nhà bán buôn phục vụ những cửa hàng tạp hóa độc lập hoặc hạn chế khối lượng họ có thể mua. 1 nhà bán buôn cho biết từ tháng 7 năm ngoái đến tháng 1 năm nay, số giấy vệ sinh và màng nhôm bọc thực phẩm mà họ có thể mua đã giảm một nửa so với cùng kỳ 1 năm trước, trong khi nhu cầu tăng vọt.
Một đại diện của công ty giấy vệ sinh Clorox cho biết công ty đang thực hiện một vài bước để đáp ứng lượng cầu tăng vọt tới 500%. Quý I Clorox đã xuất xưởng lượng hàng cao kỷ lục, tăng thêm công suất và cũng đưa vào sản xuất 1 dòng sản phẩm mới tại nhà máy ở Atlanta.
Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, còn tạo thêm thử thách khi siết chặt yêu cầu đối với các nhà cung cấp. Walmart sẽ phạt nếu công ty cung cấp giao hàng chậm hoặc không đủ. Tháng 9 năm ngoái, hãng thông báo sẽ đưa ra những tiêu chuẩn mới cho nhà cung ứng và tháng 2 vừa qua bắt đầu thu phí 3% đối với hàng giao chậm.
Động thái của Walmart được những người trong ngành đánh giá là "ví dụ minh họa sự thống trị và quyền lực mà Walmart nắm trong tay", đồng nghĩa các chuỗi nhỏ ngày càng khó khăn hơn.
Hiệp hội tạp hóa quốc gia đang kêu gọi Quốc hội và các cơ quan chống độc quyền liên bang điều tra liệu các nhà bán lẻ lớn có vi phạm đạo luật Robinson-Patman năm 1936 hay không. Đạo luật này quy định người bán phải đối xử công bằng với tất cả các khách hàng.
Theo Thu Hương (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)