Chuyện lạ đó đây: Một quốc gia hình sự hóa việc sử dụng đô la Mỹ, người vi phạm đối mặt án tù 10 năm

05/07/2024 09:08:31

Ngân hàng trung ương của Zambia đã công bố kế hoạch hình sự hóa việc sử dụng ngoại tệ trong nền kinh tế địa phương giữa bối cảnh đồng nội tệ tăng giá mạnh nhất trong 4 tháng qua.

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, quốc gia ở phía nam Châu Phi này đã phải đối mặt với tình trạng biến động tiền tệ nghiêm trọng trong 5 năm qua, đẩy chi phí nhập khẩu lên cao và thổi bùng lạm phát, gần đạt mức cao nhất trong hai năm rưỡi vào tháng 6/2024. Các doanh nghiệp từ đại lý ô tô đến chủ sở hữu trung tâm thương mại và khách sạn thường tính phí bằng đô la Mỹ, tránh xa đồng nội tệ kwacha.

Chuyện lạ đó đây: Một quốc gia hình sự hóa việc sử dụng đô la Mỹ, người vi phạm đối mặt án tù 10 năm
Một người buôn bán tiền tệ trên đường phố đang đếm tiền giấy kwacha của Zambia tại một trạm xe buýt ở Lusaka, Zambia, vào ngày 23/2/2024. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, hãng thông tấn Nga RT dẫn tin từ truyền thông địa phương của Zambia hôm 1/7 cho biết, Ngân hàng Zambia – ngân hàng trung ương của nước này - đã soạn thảo các quy định mới nhằm hạn chế việc sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch địa phương, đặc biệt là đồng đô la Mỹ.

Các quy định tiền tệ mới sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính và Kế hoạch quốc gia Zambia ban hành như một công cụ pháp lý. Sau khi quy định có hiệu lực, sẽ yêu cầu sử dụng đồng nội tệ kwacha và ngwee - đơn vị con của kwacha - cho tất cả các giao dịch công và tư trong nước Zambia.

Ngân hàng trung ương của Zambia đã nêu lên mối lo ngại về việc sử dụng đồng đô la Mỹ ngày càng nhiều trong nền kinh tế địa phương. Theo ngân hàng này, việc đó làm suy yếu các công cụ chính sách tiền tệ của Zambia và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Theo RT, một tài liệu dự thảo do Ngân hàng Zambia công bố hôm 29/6 tiết lộ rằng, những cá nhân tại Zambia nếu bị phát hiện sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trong nước có thể phải đối mặt với án tù 10 năm hoặc bị phạt một số tiền lớn.

Điều này đã được Francis Chipimo - Phó thống đốc phụ trách hoạt động của Ngân hàng Zambia - công bố trong bài phát biểu hôm 28/6 tại một hội chợ thương mại ở thành phố Ndola của nước này.

Ông Chipimo nhấn mạnh những rủi ro của việc đô la hóa, nói rằng việc này cản trở năng lực của chính quyền trong việc quản lý hiệu quả các chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái.

Phó thống đốc giải thích rằng việc sử dụng đồng đô la Mỹ sẽ làm tăng rủi ro tín dụng và thanh khoản, đồng thời làm suy yếu ảnh hưởng của ngân hàng trung ương vì thị trường tín dụng bằng đồng đô la không phản ứng với động thái của Ngân hàng Zambia.

Ông Chipimo nhấn mạnh thêm rằng, trong một nền kinh tế phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, nhu cầu và tầm quan trọng của đồng nội tệ sẽ giảm đi, dẫn đến sự sụt giảm liên tục về giá trị của nó với tư cách vừa là công cụ trao đổi vừa là công cụ cất giữ giá trị.

"Trong trường hợp cực đoan, đồng tiền [Zambia] sẽ mất đi khả năng được chấp nhận như một loại tiền", ông Chipimo tuyên bố.

Kwacha nằm trong số những đồng tiền có hiệu suất kém nhất thế giới trong 12 tháng qua, mất 28% giá trị, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Đồng tiền này đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 6 vừa qua để trở thành đồng tiền tăng giá lớn nhất trên toàn cầu, sau khi Zambia cuối cùng đã chấm dứt tình trạng vỡ nợ trái phiếu đô la kéo dài gần 4 năm và nhận được khoản thanh toán khổng lồ 570 triệu USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Đồng kwacha đã tăng khoảng 7% vào ngày giao dịch cuối cùng của tuần trước.

Theo Bloomberg, các yếu tố góp phần vào sự biến động của đồng kwacha bao gồm quá trình tái cấu trúc nợ kéo dài, sản lượng đồng - nguồn thu nhập xuất khẩu chính của Zambia - giảm mạnh vào năm ngoái, và gần đây hơn là đợt hạn hán nghiêm trọng làm tăng hóa đơn nhập khẩu.

Đồng thời, việc tái cấu trúc trái phiếu đô la có thể làm tăng thêm áp lực về ngoại tệ đối với Zambia.

Theo RT, vào tháng 5/2012, Zambia đã thực hiện các hạn chế về việc sử dụng đô la Mỹ giữa các doanh nghiệp địa phương, nhưng những biện pháp này đã bị bãi bỏ chưa đầy 2 năm sau đó.

Theo Hữu Hiển (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật