Chị Chu (trú tại Quảng Đông, Trung Quốc) là nhân viên tài chính của một công ty. Chị cho biết thời điểm cuối năm là bận rộn nhất, cần tổng hợp sổ sách trong năm, lập báo cáo tài chính năm, xử lý các vấn đề thuế và đối chiếu thanh toán.
Tại ngày xảy ra vụ việc, trong khi đang thanh toán tiền hàng, có đồng nghiệp đến hỏi về một vấn đề. Chị Chu vừa nghe đồng nghiệp hỏi, vừa nhập thông tin tài khoản thanh toán, không cẩn thận nhập nhầm số tài khoản, dẫn đến việc 3,2 triệu Nhân dân tệ (NDT) (khoảng 11 tỷ VND) tiền hàng bị chuyển nhầm sang một công ty khác.
Khi phát hiện ra vấn đề, chị Chu lập tức liên hệ với người phụ trách công ty đó là ông Vương, yêu cầu hoàn lại 3,2 triệu NDT tiền hàng. Do đây là lợi ích không chính đáng, ông Vương hiểu rõ tính nghiêm trọng của vấn đề và nhanh chóng đồng ý hoàn tiền. Tuy nhiên, sau nửa ngày chờ đợi, ông chỉ hoàn lại 600 nghìn NDT (khoảng 2 tỷ VND), còn 2,6 triệu NDT thì vẫn chưa thấy đâu.
Không nhận được tiền, chị Chu gọi điện thúc giục, ông Vương lại nói hiện tại không thể hoàn lại vì công ty đang thua lỗ, nợ ngân hàng 2,6 triệu NDT. Khi có tiền chuyển vào tài khoản, số tiền này đã bị ngân hàng tự động trừ đi để trả nợ. Nói xong, ông gửi cho chị lịch sử giao dịch, bảo rằng không phải là không muốn trả, mà thật sự không còn tiền.
Sau đó, chị Chu liên hệ với ngân hàng yêu cầu ngân hàng hoàn lại 2,6 triệu NDT và giải thích lý do, nhưng bị ngân hàng từ chối. Ngân hàng cho rằng việc trừ tiền từ tài khoản của ông Vương là hoàn toàn hợp lệ, theo đúng thỏa thuận trước đó của hai bên.
Không đồng ý với cách giải quyết của ngân hàng, công ty của chị Chu đã đệ đơn lên tòa án. Qua quá trình phân xử, tòa xác định ông Vương là người vay, có trách nhiệm hoàn trả khoản vay theo thời hạn đã thỏa thuận. Khi quá hạn, ngân hàng có quyền trừ tiền từ tài khoản của ông. Số tiền 3,2 triệu NDT trong vụ việc này đối với ông Vương được xem là lợi ích không chính đáng và ông Vương phải hoàn lại số tiền này.
Do đó, trong phiên xét xử sơ thẩm, tòa án quyết định: Ngân hàng không phải chịu trách nhiệm, ông Vương phải hoàn lại 2,6 triệu NDT cho công ty của chị Chu.
Tuy nhiên, công ty của chị Chu không đồng ý với phán quyết này và đã kháng cáo. Theo Bộ luật Dân sự nước này: "Hợp đồng đã được thiết lập hợp pháp chỉ có giá trị ràng buộc đối với các bên liên quan”. Trong vụ việc này, giữa ông Vương và ngân hàng có mối quan hệ hợp đồng vay, do đó hai bên có ràng buộc pháp lý. Còn đối với công ty của chị Chu, không tồn tại quan hệ hợp đồng nào, vì vậy ngân hàng nên hoàn trả số tiền này.
Cuối cùng, trong phiên xét xử phúc thẩm, tòa án quyết định: Ngân hàng phải hoàn lại 2,6 triệu NDT cho công ty của chị Chu.
Theo Linh San (Nhịp Sống Thị Trường)