Chuyên gia Trung Quốc: S-500 Nga là ‘vũ khí chết chóc’ nhất thế giới

26/06/2018 10:47:29

Các hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa thế hệ mới S-500 Prometheus của Nga đã khiến các chuyên gia Trung Quốc thuộc Tạp chí China Military hết sức ngưỡng mộ. Họ cho rằng đây là loại “vũ khí chết chóc nhất” của Nga.

Chuyên gia Trung Quốc: S-500 Nga là ‘vũ khí chết chóc’ nhất thế giới

Theo các chuyên gia Trung Quốc, bảo đảm an ninh không gian là nhiệm vụ ưu tiên đối với những quốc gia đang nỗ lực bảo vệ các lợi ích địa chính trị của mình. Dựa vào đó, mức độ an ninh quốc gia phụ thuộc vào khả năng nước đó có thể phản ứng lại như thế nào đối với các cuộc tấn công từ trên không, bằng tên lửa của đối thủ tiềm năng.

Với việc trang bị tổ hợp S-400 Triumph, bầu trời nước Nga đã trở thành một “mái vòm mạnh nhất” mà không thể bị xuyên thủng. Tuy nhiên, các kỹ sư người Nga không dừng lại ở những kết quả đạt được, do đó họ đang trình làng một mẫu tổ hợp mới mang tên S-500 Prometheus trong thời gian sắp tới.

Tổ hợp phòng không và phòng thủ tên lửa này sẽ không có những sản phẩm tương tự trên thế giới, bởi khả năng công nghệ của nó cho phép giải quyết một loạt các nhiệm vụ chiến đấu chưa từng có đối với loại vũ khí này. Các chuyên gia tin rằng, Prometheus không có đối thủ trên không gian. S-500 có khả năng bắn hạ bất cứ loại máy bay, tên lửa nào ở giai đoạn bay cuối cùng của chúng, đồng thời thực hiện đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa ở trong cũng như ở ngoài không gian.

Prometheus hứa hẹn sẽ trở thành tổ hợp đánh chặn trên không đầu tiên có khả năng tiêu diệt tên lửa siêu thanh. Tầm bắn của nó khoảng 600km, đây hoàn toàn là một kỷ lục. Ngay trong quá trình thử nghiệm, tổ hợp này đã cho thấy tầm bắn đáng kinh ngạc, điều này đã chính thức được ghi nhận. S-500 có thể đánh chặn các mục tiêu đang bay với tốc độ 7km/s.

Một đặc điểm rất quan trọng và hữu ích của tổ hợp này là khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên vũ trụ đang bay trong quỹ đạo gần Trái đất. Hay nói cách khác, với sự trợ giúp của S-500, Nga có thể vô hiệu hóa các hệ thống liên lạc và dẫn đường của đối phương chỉ ngay trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột sau khi bắn hạ các vệ tinh của họ trên quỹ đạo.

Theo Sơn Nguyễn (Tiền Phong)