Nhà phân tích chính trị - Chuyên gia các mối quan hệ quốc tế Akshay Narang vừa có bài viết chỉ trích gay gắt việc Trung Quốc để mặc mảnh vỡ tên lửa lao điên cuồng xuống Trái Đất.
Theo ông Narang, những "tai nạn" mà Trung Quốc coi là "nhỏ" có thể giết chết hàng triệu người trên toàn cầu hoặc thậm chí xóa sổ một số thành phố nổi tiếng.
"Chúng ta đang nói tới chương trình không gian thiếu thận trọng của Trung Quốc, họ chỉ đơn giản là phóng tên lửa vào không gian và sau đó mất kiểm soát đối với chúng" – Ông Narang viết, đồng thời nhấn mạnh rằng những tên lửa "mất kiểm soát" này sau đó sẽ trở lại bầu khí quyển mang theo những rủi ro lớn bởi chúng có thể rơi xuống bất cứ đâu trên Trái Đất.
Đáng nói là, Bắc Kinh dường như không hề quan tâm tới việc liệu các tên lửa mất kiểm soát có rơi trúng vào những khu vực sinh sống trên Trái Đất và phá hủy các thành phố đông dân như London, New York, Canberra. New Delhi hay không.
Mới đây, khi một tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi vào tình trạng mất kiểm soát, Bắc Kinh đã tỏ ra thờ ơ về việc tên lửa của họ sẽ rơi xuống đâu. Các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B cuối cùng đã rơi xuống Ấn Độ Dương nhưng theo ông Narang, Maldives suýt chút nữa đã trở thành "nạn nhân" của chúng.
Phạm vi tai họa mà các tên lửa mất kiểm soát của Trung Quốc có thể gây ra sau khi tái nhập bầu khí quyển quá lớn. Theo ông Jonathan McDowell - một nhà vật lý thiên văn tại Harvard, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B có thể văng xa tới tận New York, Madrid, Nam Chile, Wellington, New Zealand và thậm chí gây nguy hiểm cho chính Bắc Kinh.
Tờ New York Times cho biết, chương trình không gian của Trung Quốc là chương trình duy nhất "đưa các tầng tên lửa lớn như thế này lên quỹ đạo, sau đó để chúng rơi ngẫu nhiên xuống một nơi nào đó".
Theo ông Narang, đây không hẳn là một hiện tượng hiếm gặp. Năm ngoái, một tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã rơi trên Bờ Biển Ngà và làm hư hại một số tòa nhà. May mắn không có thương vong nào nhưng vụ việc đã mang lại cái nhìn sâu sắc về những gì chương trình không gian thiếu thận trọng của Trung Quốc có thể gây ra cho thế giới.
Mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi xuống Trái đất |
Trên thực tế, nếu tầng lõi nặng 20 tấn của tên lửa Trường Chinh 5B đi qua bầu khí quyển Trái Đất sớm hơn 15-20 phút trong quá trình tái nhập thì những mảnh vỡ của nó có thể đã ập xuống thành phố New York. Do đó, có thể thấy Trung Quốc đã suýt chút nữa gây ra một thảm họa nhân đạo như thế nào.
Đối với Trung Quốc, những trường hợp như vậy được xem như một vết trượt dài. Với thái độ thờ ơ của mình, Bắc Kinh sẽ muốn xem đó là những "tai nạn nhỏ". Tuy nhiên, những "tai nạn nhỏ" đó có thể hủy diệt toàn bộ nhiều thành phố.
Ông Narang cho rằng, nếu trong tương lai, một tên lửa mất kiểm soát nào đó của Trung Quốc "tấn công" bất cứ thành phố đông dân nào trên thế giới thì Bắc Kinh vẫn sẽ hành động thờ ơ như hiện tại.
Tệ hơn nữa, nếu bị xoáy vào các vấn đề về nhân quyền, một Trung Quốc đang bức bối có thể dễ dàng "vũ khí hóa" các tên lửa "mất kiểm soát" của họ như một phương thức đáp trả nhằm vào phần còn lại của thế giới.
"Chúng ta không thể tin tưởng vào việc Trung Quốc sẽ trở nên có trách nhiệm với những việc tương tự.
Nếu thế giới muốn bảo vệ các thành phố lớn của mình trước chương trình không gian tồi tệ của Trung Quốc thì các quốc gia phải sát cánh cùng nhau để gây sức ép với Bắc Kinh và đối phó với các cuộc tái xâm nhập bầu khí quyển một cách mất kiểm soát của những tên lửa này" – Ông Narang kết luận.
Theo QS (Doanh nghiệp & Tiếp thị)