Đề nghị kể trên được Wu Zunyou, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên.
Bệnh nhân trở về từ nước ngoài, hạ cánh xuống một sân bay tại thành phố Trùng Khánh, sau đó có các triệu chứng bao gồm nổi mẩn, trong lúc cách ly ngừa Covid-19.
Trong một bài đăng Weibo được xác thực hôm 17/09, Wu đề nghị: "Để phòng trách khả năng nhiễm đậu mùa khỉ, và là một phần lối sống lành mạnh hàng ngày của chúng ta, tôi đề nghị 1) không tiếp xúc da thịt với người nước ngoài; 2) không tiếp xúc da thịt với người trở về từ nước ngoài [trong ba tuần gần đây]."
Wu cũng khuyên người dân không đụng chạm da thịt với người lạ, và sử dụng lót bồn cầu dùng một lần tại các nhà vệ sinh công cộng và khách sạn.
Lời khuyên của Wu bị nhiều người dùng mạng xã hội chỉ trích, một số cho rằng đề xuất như vậy là "phân biệt chủng tộc và kỳ thị".
"Làm sao có thể phân biệt chủng tộc như vậy. Với những người như tôi, đã ở Trung Quốc gần 10 năm và chưa gặp gia đình trong 3-4 năm vì đóng cửa biên giới," một người bình luận trên Weibo.
Một người dùng Weibo khác cho rằng mô tả của Wu là "không thích hợp".
"Có rất nhiều bạn bè nước ngoài đang làm việc ở Trung Quốc. Thời kỳ đầu đại dịch Covid-19, những người bạn nước ngoài đã lên tiếng trên mạng xã hội rằng 'Người Trung Quốc không phải là virus'," người dùng này bình luận, bổ sung rằng người Trung Quốc không nên im lặng khi người nước ngoài bị phân biệt đối xử.
Một người dùng Weibo khác cho rằng đề nghị của Wu không cụ thể và dễ gây hiểu nhầm.
"Ông ấy nói tới quan hệ tình dục hay chỉ là đụng chạm da thịt thôi? Tôi đoán là ý thứ nhất. Nhưng nếu gặp bạn bè nước ngoài thì phải bắt tay. Và cũng rất khó tránh tiếp xúc da thịt trên xe bus," người này bình luận.
Đề xuất của Wu không được nhắc tới trong hướng dẫn chẩn đoán đậu mùa khỉ chính thức của Trung Quốc, hay hướng dẫn điều trị được Ủy ban Y tế nước này công bố.
Trong bài đăng gây tranh cãi, Wu cũng nói rằng ngoài ca nhiễm nhập ngoại ở Trùng Khánh, khả năng các ca nhiễm đậu mùa khỉ lọt qua các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc tại biên giới là "rất nhỏ" và "có thể bỏ qua".
Do virus đậu mùa khỉ có nhiều điểm giống virus đậu mùa nên những người đã được tiêm chủng đậu mùa sẽ có kháng thể đối với đậu mùa khỉ, Wu nói thêm.
Wu cho biết điều đó có nghĩa là những người Trung Quốc trên 42 tuổi sẽ an toàn trước đậu mùa khỉ, do Trung Quốc từng tiến hành tiêm chủng đậu mùa toàn quốc tới năm 1980, thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới thông báo đã xóa sổ bệnh đậu mùa trên toàn cầu.
Hà An (Nguoiduatin.vn)