Chuyên gia nhận định về nhiệm kỳ Trump 2.0: Vai trò của Việt Nam còn mang tính chiến lược hơn trước đây

20/11/2024 13:33:37

Các chuyên gia cho rằng cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống đắc cử Donald Trump là một tín hiệu tốt.

Chuyên gia nhận định về nhiệm kỳ Trump 2.0: Vai trò của Việt Nam còn mang tính chiến lược hơn trước đây
Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: AA/VNA

Ông Trump chọn nội các: Trung thành là then chốt

Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales cho rằng chiến thắng áp đảo của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay là một bất ngờ. Các thống kê dự báo một cuộc đua sát sao ở các bang dao động nhưng tất cả đều sai. Ông Donald Trump đã chiến thắng tuyệt đối: chiến thắng đa số phiếu phổ thông và cả đa số phiếu đại cử tri.

Về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ông Stephen Olson từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Yusof Ishak, Singapore) và là giảng viên thỉnh giảng tại Viện Yeutter (Mỹ) cũng cho biết, dù chuẩn bị cho khả năng ông Trump chiến thắng, nhưng ông đã nghĩ cuộc bầu cử sẽ diễn ra sít sao hơn.

"Các nhà khoa học chính trị sẽ còn phân tích lý do cho chiến thắng bất ngờ mang tính quyết định của ông Trump trong nhiều năm tới", ông nói thêm.

Ông Carl Thayer đưa ra 2 đánh giá về kết quả này: Đầu tiên, những người ủng hộ đã ở lại với ông Trump. Không quan trọng ông ấy đã nói gì, làm gì hay không làm gì cả, họ vẫn bầu cho ông.

Thứ hai, bà Kamala Harris đã làm tốt trong việc huy động người ủng hộ mình nhưng chưa đủ. Bà thua vì một bộ phận người trẻ không đi bỏ phiếu và một bộ phận nam giới trẻ, nam giới da màu và phụ nữ không có bằng cấp đã bầu cho ông Trump.

Nói cách khác, bà Kamala Harris không thể thuyết phục đối tượng cử tri trẻ tuổi rằng bà có thể giải quyết vấn đề giá cả tăng cao do lạm phát hay lập lại được trật tự cho tình trạng hỗn loạn ở biên giới, ông nói thêm.

Về các lựa chọn cho nội các của ông Trump, Giáo sư Carl Thayer cho rằng ông Trump và nhóm của ông sẽ dựa vào những kinh nghiệm của 4 năm tại Nhà Trắng để lựa chọn thành viên nội các và bổ nhiệm các vị trí khác.

Ở nhiệm kỳ đầu quá trình này mất nhiều tháng. Có khả năng đội ngũ của ông Trump sẽ được hé lộ trước ngày nhậm chức 20/1. Sự trung thành với ông Trump sẽ là yếu tố then chốt bên cạnh khả năng thực hiện các chính sách của ông, ông Thayer nhận định.

Ông Trump đã bổ nhiệm bà Susie Wiles làm Chánh văn phòng. Bà là giám đốc chiến dịch tranh cử của ông. Vì đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện, ông Trump sẽ có được sự xác nhận sớm các thành viên nội các của mình. Điều này đồng nghĩa với một cuộc chuyển giao ít hỗn loạn hơn khi ông Trump nhậm chức.

Ông Trump đã nêu ra 4 ưu tiên.

Đầu tiên, ông muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine bằng cách để Ukraine trở thành một quốc gia "chia rẽ" nhưng với sự đảm bảo sẽ không làm mất ổn định châu Âu từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thứ hai, ông Trump sẽ gây áp lực lên Trung Quốc bằng cách áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Thứ ba, ông Trump sẽ ủng hộ Israel. Và thứ tư, ông Trump sẽ có thái độ thù địch với Iran.

Sau khi Chính quyền Tổng thống Trump lập Báo cáo Chiến lược An ninh Quốc gia, tiếp theo sẽ là Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Mỹ và Chiến lược Hàng hải và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Có khả năng các tài liệu chiến lược này sẽ có sự tiếp nối với chính sách trong quá khứ hơn là thay đổi.

Tổng thống đắc cử Trump đã đề cử Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm Ngoại trưởng và Hạ nghị sĩ Michael Waltz làm Cố vấn An ninh Quốc gia. Cả hai đều coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động tự do hàng hải và sự hiện diện ở Biển Đông. Chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục ủng hộ Philippines trong quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Trong khi đó, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN với tư cách là Đối tác chiến lược toàn diện.

GS Carl Thayer

Có tiếp tục thương chiến Mỹ - Trung?

Chuyên gia Stephen Olson nhận định, dưới thời Tổng thống Trump, các rào cản thuế quan và phi thuế quan sẽ gia tăng.

Nếu ông Trump tiếp tục áp dụng mức thuế quan lớn mà ông đã đưa ra, xét đến tác hại kinh tế và sự đi ngược lại các quy tắc thương mại, các đối tác thương mại của Mỹ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa. Điều này chắc chắn sẽ kích hoạt một cuộc phản công của ông Trump và phát động cuộc chiến thương mại toàn cầu quan trọng nhất kể từ những năm 1930. Vào thời điểm đó, hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ sẽ bị phá vỡ, ông Olson cảnh báo.

Nhận định về khả năng ông Trump sẽ khôi phục cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc, ông Stephen Olson cho rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ gia tăng, ít nhất là trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ khi vị Tổng thống đắc cử Mỹ thể hiện sức mạnh để tỏ ra "cứng rắn" với Trung Quốc.

Chuyên gia nhận định về nhiệm kỳ Trump 2.0: Vai trò của Việt Nam còn mang tính chiến lược hơn trước đây - 1
Tổng thống Donald Trump ký thông qua mức thuế áp với Trung Quốc hồi năm 2018. Ảnh: Getty Images

Mức thuế 60% được đề xuất chỉ có thể là khởi đầu và có thể sẽ còn cao hơn nữa. Các hạn chế thương mại và đầu tư bổ sung, đặc biệt là đối với công nghệ, chắc chắn sẽ xảy ra, nếu không vì lý do nào khác thì cũng để chứng minh rằng ông đang "cứng rắn" hơn chính quyền Biden-Harris.

Trung Quốc sẽ chuẩn bị trả đũa mạnh mẽ. Nếu ông Trump thực hiện những gì ông đã đe dọa, Trung Quốc sẽ "tháo găng tay", ông Olson cho hay. Bên cạnh đó, chuyên gia này lưu ý rằng, dù cho ai đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Thương mại thì cựu Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ là tiếng nói có ảnh hưởng nhất về thương mại.

Ở diễn biến mới nhất, Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 19/11 thông báo đề cử tỷ phú Howard Lutnick cho vị trí Bộ trưởng Thương mại. Đề cử này sẽ cần Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

Ông Lutnick, 63 tuổi, là chủ tịch kiêm CEO của công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald Tỷ phú này có mối quan hệ lâu năm với Trump và đang giữ vai trò đồng chủ tịch nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử.

Cuộc điện đàm thành công

Theo giáo sư Carl Thayer, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm thành công với Tổng thống đắc cử Trump vào tối ngày 11/11, giờ Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về quan hệ kinh tế, thương mại và nhận lời mời thăm viếng lẫn nhau. 

"Đây là những tín hiệu tốt", nhà nghiên cứu chính trị người Úc đánh giá.

Ông Nicholas Chapman, Giáo sư tại Đại học Tohoku, Nhật Bản cũng cho rằng, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã đi theo quỹ đạo tích cực trong nhiều năm. Từ thời nhiệm kỳ trước của ông Trump, hai nước đã có mối quan hệ tốt đẹp.

Ông Trump đã đến thăm Việt Nam hai lần: lần đầu tiên là hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017 và sau đó là hội nghị thượng đỉnh lần 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội. Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump qua điện thoại và gửi lời mời ông đến thăm Việt Nam, Giáo sư được bổ nhiệm đặc biệt tại Đại học Tohoku dẫn chứng.

"Vai trò của Việt Nam trong khu vực thậm chí còn mang tính chiến lược hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cả về mặt kinh tế và địa chiến lược. Sự nổi lên của Việt Nam như một trung tâm công nghệ đang phát triển sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để điều hướng bất kỳ xung đột thương mại tiềm ẩn nào với Mỹ", ông Chapman nhấn mạnh.

Chuyên gia nhận định về nhiệm kỳ Trump 2.0: Vai trò của Việt Nam còn mang tính chiến lược hơn trước đây - 2
Việt Nam và Mỹ hiện nay có nhiều hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn.

Ngoài ra, điều quan trọng cần lưu ý là ông Trump nhấn mạnh vào các mối quan hệ cá nhân và giao dịch kinh doanh. Năm ngoái, Trump Organization đã ký thỏa thuận xây dựng khu nghỉ dưỡng sang trọng trị giá hàng tỷ USD ở miền Bắc Việt Nam. 

Việt Nam cũng được hưởng lợi từ mối quan hệ chặt chẽ của Trump với tỷ phú Mỹ Elon Musk. Công ty SpaceX của ông Musk sử dụng Việt Nam làm trung tâm sản xuất chính và Musk hiện đã được bổ nhiệm vào nội các của Trump.

Bên cạnh đó, theo giáo sư Chapman, ngoại giao cây tre của Việt Nam đảm bảo tính linh hoạt trong việc quản lý các thách thức phát sinh. Với những yếu tố này, Việt Nam có vị thế tốt để xử lý các trở ngại nào liên quan đến thặng dư thương mại.

Giáo sư Carl Thayer cũng cho ràng một vấn đề chính sẽ là thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ, bao gồm các sản phẩm có thành phần nguyên liệu từ Trung Quốc và tái xuất sang Mỹ. Vấn đề diễn biến thế nào sẽ do Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) mới quyết định.

Ông Trump tuyên bố sẽ bổ nhiệm Robert Lighthizer vào vị trí này. Ông Lighthizer từng là Đại diện Thương mại Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Chuyên gia Stephen Olson cũng cho rằng Việt Nam cần lưu tâm đến vấn đề này. "Chúng ta biết rằng ông Trump coi thương mại là một trò chơi tổng bằng không (zero sum game), trong đó một quốc gia thắng và quốc gia kia thua. Tiêu chí mà ông sử dụng để đánh giá Mỹ đang thắng hay thua là cán cân thương mại và thâm hụt thương mại cho ông biết Mỹ đang thua", ông Olson lý giải.

Các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ cao sẽ được quan sát chặt chẽ và có thể đối mặt với các mức thuế bổ sung. Các quốc gia mà Washington nghi ngờ có vai trò trung chuyển các sản phẩm của Trung Quốc sang Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với sự giám sát và các mức thuế tiềm tàng.

Dưới thời ông Trump, xu hướng di dời các cơ sở sản xuất của Trung Quốc sang Mỹ có khả năng sẽ tiếp tục, nếu không muốn nói là tăng tốc, như một biện pháp né tránh thuế quan tăng cao do Washington áp đặt. Động cơ để Trung Quốc di dời các cơ sở sản xuất là sử dụng chúng làm nền tảng xuất khẩu sang Mỹ. Điều này có thể khiến thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ tăng cao, ông Olson lưu ý.

Theo Lan Hương (Nguoiduatin.vn)