Trước đó, Bộ quốc phòng Estonia đã ra thông báo về việc một tiêm kích Typhoon EF-2000 của không quân Tây Ban Nha hôm 7/8 phóng tên lửa không đối không tầm trung AIM vào không phận miền nam Estonia. Không quân nước này đã triển khai tìm kiếm, sau đó tham mưu trưởng không quân Riivo Valge cho rằng tên lửa có thể đã rơi xuống lãnh thổ Nga.
Korotchenko cho biết sau khi phóng tên lửa sẽ chuyển sang chế độ tự điều khiển, nhưng may mắn là không gây hậu quả nghiêm trọng.
"Các công dân Estonia nên biết rằng đây là một sự cố nghiêm trọng.
Hàng trăm hành khách trên chuyến bay qua Estonia vào thời điểm đó cũng nên hiểu là họ đã may mắn thế nào", chuyên gia Nga tỏ ra ngạc nhiên trước thái độ "bình thản" của chính quyền Tallinn.
Ông nhận định: "Nếu quả tên lửa này bay vào không phận Nga, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả quân sự nghiêm trọng. Tôi cho rằng trong cuộc họp hội đồng Nga-NATO sắp tới, Moscow nên yêu cầu NATO cung cấp thông tin chi tiết về vụ việc và cấp độ an toàn của các tiêm kích NATO hoạt động ở khu vực giáp không phận Nga".
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Estonia Aivo Vahemets cho biết ba chiếc trực thăng Robinson sẽ tiếp tục cuộc tìm kiếm mảnh vỡ tên lửa. Lực lượng cảnh sát và cứu hộ cũng sẵn sàng tham gia khi cần thiết, nhưng vẫn chưa xác định chính xác khu vực tìm kiếm.
Quả tên lửa bị vô tình phóng đi được cho là AIM-120 AMRAAM với tầm bắn 100 km mang đầu đạn 10kg thuốc nổ. Ngoài Mỹ, một số nước thành viên NATO cũng đã được trang bị tên lửa này.
Do các nước Baltic không có máy bay phù hợp thực hiện nhiệm vụ tuần tra nên sau khi gia nhập NATO, máy bay chiến đấu các thành viên khác sẽ thay phiên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận Baltic kể từ tháng 4/2004. Đến năm 2012 Hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức tại Chicago, Mỹ đã quyết định kéo dài nhiệm vụ này vô thời hạn.
Theo Đỗ Trọng Phương (Tiền Phong)