Máy bay được xác định chở 96 người, bao gồm hai phi công và bốn thành viên phi hành đoàn.
Tướng Romeo Brawner cho biết ông và gia đình "đã đi trên chiếc máy bay C-130 gặp nạn" cùng ngày trước khi tai nạn xảy ra. Ông cho biết không có vấn đề đáng chú ý nào xảy ra trên chuyến bay của ông, theo SCMP.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông đã yêu cầu "điều tra toàn diện vụ tai nạn máy bay C-130, ngay sau khi công tác cứu nạn và tìm kiếm kết thúc".
Thiếu tướng Edgard Arevalo, phát ngôn viên quân đội Philippines hôm 05/07 cho biết không có bằng chứng nào cho thấy máy bay bị tấn công khi hạ cánh xuống đảo Jolo, vốn là nơi hoạt động của tổ chức cực đoan Abu Sayyaf.
"Đây là một trong những vụ việc thương tâm nhất xảy ra với các lực lượng vũ trang của chúng tôi," tướng Edgard Arevalo cho biết. Ông bổ sung thêm rằng chiếc vận tải cơ gặp nạn "không phải là hoàn toàn mới", nhưng "vẫn trong tình trạng rất tốt".
"Khi tai nạn xảy ra, máy bay vẫn có thể bay thêm 11.000 giờ trước thời điểm bảo dưỡng tiếp theo," tướng Arevalo cho biết thêm.
Chiếc máy bay gặp nạn là một trong hai máy bay C-130 từng thuộc sở hữu của Không quân Mỹ được chuyển cho Philippines hồi tháng 02.
Hãng tin Philippine News Agency cho biết hai chiếc máy bay được mua với giá 2,5 tỷ peso, trong đó Manila trả 1,6 tỷ peso và phần còn lại do chính phủ Mỹ chi trả. Mới có một chiếc máy bay được bàn giao.
Cuộc điều tra sẽ tập trung tìm hiểu nguyên nhân vì sao chiếc máy bay không thể đáp vào đường băng.
Nhà sử học quân đội Jose Antonio Custodio, từng làm việc cho bộ phận lên kế hoạch của quân đội Philippines, trong cuộc phỏng vấn với This Week in Asia cho rằng đường băng ở Jolo "rất khó khăn" nếu phi công gặp vấn đề chẳng hạn như "càng đáp không được mở ra".
Ông cho rằng phi công cũng có thể đã không thể đáp vào đường băng do "nó quá ngắn". Đường băng trên đảo Jolo được người Mỹ xây dựng từ thập niên 1930, bị giới hạn bởi địa hình.
"Một đầu đường băng là biển, đầu còn lại là địa hình đồi núi dốc bên cạnh một cộng đồng dân cư. Máy bay chỉ có thể đáp xuống hoặc cất cánh từ đầu hướng biển, và do các khu vực đồi núi, đường băng rất ngắn," Custodio nói.
Custodio cũng nêu giả thuyết phi công không thể điều khiển máy bay như ý muốn do trọng tải quá nặng. Trên máy bay có 96 người, bao gồm cả các trang thiết bị và có thể đạn dược của họ, cộng thêm nhiên liệu cho chuyến bay trở về, do trên đảo Jolo không có trạm tiếp nhiên liệu.
Ông cũng cho rằng một số nhân chứng trông thấy hành khách nhảy khỏi máy bay cho thấy họ biết có sự cố nghiêm trọng đã xảy ra.
Custodio cho biết vụ tai nạn máy bay quân đội nghiêm trọng xảy ra gần đây nhất tại Philippines là vào tháng 04/1971, khi chiếc Douglas C-47 Skytrain của không quân nước này rơi do hỏng động cơ, khiến toàn bộ 40 người trên máy bay thiệt mạng.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)