Chuyên gia Mỹ: Tên lửa Triều Tiên ngày càng nhanh và nguy hiểm

07/03/2017 15:37:00

Việc phóng liên tiếp, đồng loạt nhiều tên lửa đạn đạo chứng tỏ hiệu quả sản xuất và năng lực được cải thiện của lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên.

Việc phóng liên tiếp, đồng loạt nhiều tên lửa đạn đạo chứng tỏ hiệu quả sản xuất và năng lực được cải thiện của lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên.
 
 
Việc Triều Tiên phóng liên tiếp ít nhất 4 quả tên lửa đạn đạo tầm trung xuống biển Nhật Bản hôm 6/3 là dấu hiệu cho thấy chương trình tên lửa của nước này đang phát triển chóng vánh, cho ra đời những vũ khí thông minh hơn, nguy hiểm hơn, được triển khai với thời gian nhanh hơn và có khả năng thoát khỏi các hệ thống đánh chặn cao hơn, CNN dẫn nhận định của nhiều chuyên gia phân tích quốc tế.

"Triều Tiên mới chỉ phóng tên lửa đạn đạo hồi tháng trước, rồi tiếp tục phóng trong vòng chưa đầy 30 ngày, chỉ bằng 1/3 số thời gian mà họ cần để thực hiện vụ phóng mới trước đây", Carl Schuster, giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii và là cựu giám đốc Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho biết.

4 quả tên lửa đạn đạo tầm trung được Triều Tiên phóng đi trong chưa đầy một tháng kể từ khi nước này phóng thử Pukguksong-2, một loại tên lửa mới sử dụng nhiên liệu rắn, cho phép thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng nhanh hơn rất nhiều so với các phiên bản sử dụng nhiên liệu lỏng.

Hơn 5 tháng trước, Bình Nhưỡng cũng đã bắn ba quả tên lửa bay hơn 1.000 km vào vùng nhận diện phòng không ngoài khơi Nhật Bản.

"Vụ phóng mới này chứng tỏ hai điều – họ đã nhanh hơn trong việc chuẩn bị hệ thống phóng tên lửa và họ cũng đã chóng vánh hơn trong việc sản xuất, vận chuyển tên lửa tới bãi phóng", Schuster nói.

"Hãy nhớ rằng bất cứ khi nào thực hiện một vụ phóng thử, bạn đều muốn giữ lại một số tên lửa dự bị để đề phòng chiến tranh nổ ra. Điều đó có nghĩa là kho tên lửa của Triều Tiên hiện nay lớn hơn so với trước đây", chuyên gia này nhận định.

Không chỉ sở hữu nhiều tên lửa hơn, Triều Tiên cũng đang nắm trong tay nhiều công nghệ chế tạo tên lửa tiên tiến hơn, nguy hiểm hơn. Theo giáo sư Jeffrey Lewis tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, những vụ phóng này là cách để Triều Tiên phát tín hiệu với thế giới rằng họ không còn dừng lại ở giai đoạn thử tên lửa nữa.

Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã "say mê nhìn theo đường tên lửa bay" và khen ngợi đơn vị pháo binh Hwasong thuộc Lực lượng Tên lửa Chiến lược Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng "chính xác đến mức trông chúng giống như đang bay theo đội hình biểu diễn".

"Họ đang kiểm tra khả năng tác chiến của những đơn vị phóng các tên lửa đó, để xem họ liệu có thể phóng tên lửa đồng loạt ngay lập tức để xuyên thủng một hệ thống phòng thủ hay không", ông Lewis nói.

Giáo sư Lewis cho rằng đây là hành vi thường thấy ở những quốc gia đang có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tới các đơn vị quân sự của mình. "Sự thay đổi này là rất quan trọng", ông nhấn mạnh, đặc biệt là khi Triều Tiên hồi cuối năm ngoái tuyên bố đã thử nghiệm thành công một đầu đạn hạt nhân có thể gắn lên tên lửa đạn đạo.

Đối phó THAAD, chọc giận Trung Quốc

chuyen-gia-my-ten-lua-trieu-tien-ngay-cang-nhanh-va-nguy-hiem
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (áo đen) thị sát một cuộc phóng tên lửa từ tàu ngầm. Ảnh: KCNA

Theo ông Lewis, việc Triều Tiên phóng đồng loạt nhiều quả tên lửa có thể là một chiến thuật để đối phó với hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ sắp triển khai ở Hàn Quốc. "Đó là biện pháp cơ bản nhằm chống lại các hệ thống phòng thủ tên lửa", ông nói.

"Những hệ thống như THAAD sẽ gặp khó khăn hơn nhiều khi phải đối mặt với 4 mục tiêu thay vì một. Nếu bạn muốn sử dụng tên lửa hạt nhân tấn công một mục tiêu ở Hàn Quốc, bạn sẽ muốn phóng tất cả chúng cùng một lúc".

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là động thái nhằm trả đũa việc quân đội Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên Đại bàng Non.

Lewis cho rằng Triều Tiên đang muốn cho Mỹ và Hàn Quốc thấy rằng bất cứ động thái xâm lược nào của họ cũng sẽ phải đối mặt với lực lượng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

"Khi phóng tên lửa để phản đối cuộc tập trận Mỹ - Hàn, Triều Tiên phát đi thông điệp rằng họ giờ đây đã có vũ khí hạt nhân. Trong ngày đầu tiên của cuộc chiến, họ sẽ không chịu khoanh tay ngồi yên. Họ sẽ sử dụng chúng", ông nhận định.

Tuy nhiên, Josh Pollack, chuyên gia phân tích tại tạp chí Nonproliferation Review, cho rằng hậu quả của những vụ phóng tên lửa liên tiếp này là Triều Tiên có thể đang khiến Trung Quốc, đồng minh thân cận duy nhất của họ, tức giận, nhất là khi kỳ họp quốc hội thường niên của nước này đang diễn ra ở Bắc Kinh.

"Họ sẽ không vui", Pollack nói. "Triều Tiên đang muốn tỏ ý rằng họ cảm thấy không cần thiết phải thông báo trước cho Trung Quốc và bày tỏ lòng kính trọng với họ thêm nữa".

Đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng thể hiện thái độ quyết liệt với Trung Quốc trong vòng 6 tháng qua. Tháng 11 năm ngoái, trong khi Trung Quốc đang tổ chức hội nghị G20 ở Hàng Châu, Triều Tiên đã cho bắn ba quả tên lửa xuống Biển Nhật Bản.

"Họ không để tâm tới Trung Quốc", Lewis nói. "Dường như Bình Nhưỡng cho rằng họ bị chèn ép trong quan hệ với Bắc Kinh, nên họ có quyền tức giận về điều đó".

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)

Nổi bật