Chuyên gia Mỹ: Quân đội Nga có thể chỉ là "hổ giấy"

23/10/2015 08:46:03

Nhà phân tích uy tín của Mỹ nhận định, chiến dịch không kích ấn tượng của Không quân Nga tại Syria có thể vẫn chưa đủ để bù đắp những yếu kém về năng lực của quân đội nước này.

Nhà phân tích uy tín của Mỹ nhận định, chiến dịch không kích ấn tượng của Không quân Nga tại Syria có thể vẫn chưa đủ để bù đắp những yếu kém về năng lực của quân đội nước này.
 

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của quân đội Nga. Ảnh: National Interest


Ông Majumdar nhận định chỉ một số đơn vị trong quân đội, đặc biệt là lực lượng tên lửa chiến lược, lính dù, hải quân đánh bộ được hiện đại hóa sâu rộng. Các binh chủng còn lại vẫn dựa trên lính nghĩa vụ đào tạo kém và trang thiết bị lạc hậu từ thời Liên Xô để lại. Nói cách khác, quá trình hiện đại hóa quân đội Nga diễn ra không đồng đều.
 
Những năm sau khi Liên Xô tan rã, ngân sách quốc phòng Nga gần như chạm đáy. Các cơ sở công nghiệp quốc phòng đối mặt với nguy cơ phá sản. Khủng hoảng kinh tế thời hậu Xô Viết khiến quân đội Nga lâm vào khủng hoảng.

Từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000, các nhà lãnh đạo Nga tuyên bố tiến hành hiện đại hóa quân đội, nhưng quá trình này diễn ra rất chậm và không có nhiều thay đổi. Kết quả là quân đội Nga có “màn trình diễn nghèo nàn" tại Chechnya và lúng túng trong cuộc xung đột ở Georgia.

Ông Majumdar cho rằng, sự yếu kém của quân đội Nga một phần là do thiếu kinh phí, nhưng phần lớn xuất phát từ việc phụ thuộc vào lính nghĩa vụ đào tạo kém và thiếu tinh thần chiến đấu.

Nếu sắp xảy ra chiến tranh, quân đội sẽ điều động lính dự bị và tổng động viên, tuy nhiên, quân đội phải tốn khoảng thời gian nhất định để đào tạo lính dự bị trở lại trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Quy trình này hoạt động khá tốt trong những năm Chiến tranh Lạnh nhưng không còn phù hợp với thời buổi tác chiến công nghệ cao.

Sự hạn chế này đã được minh chứng trong cuộc xung đột ở Georgia, quân đội Nga chỉ có thể tập hợp lực lượng ở các đơn vị thường trực. Moscow sau đó vẫn giành chiến thắng nhưng rất khó khăn.

Chỉ là “hổ giấy”

Sau xung đột ở Georgia, quân đội Nga bắt đầu tiến hành cải tổ nhưng chỉ một số đơn vị nhỏ được chuyển đổi theo mô hình mới. Hai phần ba lực lượng vũ trang nước này, đặc biệt là lục quân, vẫn hoạt động theo mô hình cũ. Thậm chí, phần lớn chiến đấu cơ Nga đang làm nhiệm vụ tại Syria là những thiết kế cũ từ thập niên 70 được hiện đại hóa.
 

Đô đốc Kuznetsov - tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga thường xuyên gặp trục trặc khi hoạt động. Ảnh: Tân Hoa Xã


Moscow đang chuyển quân đội theo mô hình chuyên nghiệp, tuy nhiên, quá trình này phải mất khá nhiều thời gian. Chuyên gia quân sự Mỹ nhận định, chỉ khoảng một phần tư lực lượng mặt đất được đào tạo chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Nga còn tiến hành cải cách công tác huấn luyện theo mô hình phương Tây.

Tuy nhiên, quá trình cải tổ quân đội Nga phải mất nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành. Lực lượng vũ trang Nga đang dần khắc phục được những điểm yếu về đào tạo và tinh thần chiến đấu. Nhưng công nghiệp quốc phòng nước này vẫn là “cái bóng” từ thời Liên Xô.

Moscow tụt hậu nhiều so với phương Tây trong một số công nghệ quan trọng, đặc biệt là công nghệ điện tử. Công nghiệp đóng tàu nước này không còn khả năng đóng những chiến hạm cỡ lớn và kỹ thuật đóng tàu khá lạc hậu. Moscow phải mất nhiều năm để khắc phục hạn chế này.

Về quá trình hiện đại hóa trang thiết bị, Nga triển khai khá nhiều kế hoạch đầy tham vọng, tuy nhiên, tính khả thi không cao, ông Majumdar nhận xét. Đơn cử là kế hoạch mua sắm 2.300 xe tăng T-14 Armata đến năm 2020.

Không quân Nga đang mua sắm số lượng nhỏ các chiến đấu cơ hiện đại như: Su-30M2, Su-30SM, Su-35, Su-34. Chúng là các phiên bản của dòng Flanker nhưng không có nhiều điểm chung có thể gây khó khăn cho công tác bảo trì. Bên cạnh đó, Moscow còn mua sắm thêm phiên bản mới của MiG-29 làm vấn đề phức tạp thêm.

Trong chiến dịch không kích tại Syria, Không quân Nga sử dụng rất ít vũ khí dẫn đường công nghệ cao. Ông Majumdar cho rằng, Moscow đang phát triển vũ khí hiện đại nhưng không được triển khai với số lượng lớn.

Đối với hải quân, ngoại trừ lực lượng tàu ngầm, đội tàu mặt nước khá lạc hậu và thiếu sót. Moscow đã triển khai hoạt động tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei và tấn công hạt nhân lớp Yasen. Chúng đều là những con tàu đáng ghờm.

Trong khi đó, lực lượng tàu chiến mặt nước phần lớn là các thiết kế từ thời Liên Xô với nhiều lỗi kỹ thuật. Ví dụ điển hình nhất là tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov thường xuyên gặp trục trặc trong quá trình triển khai hoạt động.

Nhìn chung, quân đội Nga đã đạt được nhiều tiến bộ kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Moscow sẽ tiếp tục với quá trình hiện đại hóa quân đội có thể kéo dài đến năm 2030 hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, Nga vẫn không thể đủ sức đối đầu với Mỹ và các đồng minh ngay cả sau khi hoàn thành quá trình cải tổ. Ngoài lực lượng hạt nhân chiến lược, sức mạnh quân đội Nga có thể chỉ là “hổ giấy”, ông Majumdar kết luận.
 
>> Nga phát triển tàu đổ bộ đệm khí mới mạnh hơn Zubr
>> Mỹ vẫn dè chừng dù đạt được thỏa thuận về Syria với Nga
>> Vì sao Nga sẽ chiến thắng ở Syria?
>> Máy bay Nga, Mỹ suýt đâm nhau ở Syria
>> Nga cân nhắc đề nghị phối hợp với Mỹ không kích IS
>> Cùng không kích IS, Nga - Mỹ nguy cơ đụng độ ở Syria
 
Theo Quốc Việt (Zing.vn)