"Việc xây dựng bệ phóng cùng hoạt động tại các khu vực khác của bãi phóng cho thấy Sohae dường như đã khôi phục trạng thái hoạt động bình thường", 38 North, dự án giám sát Triều Tiên tại Washington, hôm nay cho biết.
Phân tích các hình ảnh vệ tinh, 38 North cho rằng cấu trúc trên bệ phóng ở Sohae được xây dựng trong khoảng thời gian 16/2 - 2/3.
38 North và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã theo dõi hoạt động tại địa điểm này từ trước khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội bằng cách sử dụng các hình ảnh vệ tinh thương mại.
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tại Singapore tháng 6/2018, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hứa sẽ phá hủy một bãi thử động cơ tên lửa quan trọng. Ông không nêu chi tiết song các quan chức Mỹ cho rằng đó là bãi phóng vệ tinh Sohae (còn gọi là Tongchang-ri).
Ông Kim cũng từng cam kết tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 9 năm ngoái sẽ đóng cửa Sohae và cho phép các chuyên gia quốc tế quan sát việc phá hủy cơ sở này.
Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vài ngày, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết họ phát hiện Triều Tiên đã lắp lại một phần mái che và cánh cửa tại cơ sở này.
NIS cũng tiết lộ với các nghị sĩ nước này rằng các cơ sở làm giàu uranium tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên đang hoạt động bình thường, thậm chí trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội diễn ra. Cơ quan này còn nhận thấy dấu hiệu di chuyển của các phương tiện được sử dụng để vận chuyển vật tư tại trung tâm nghiên cứu tên lửa Saneum-dong nằm ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Đây được cho là nơi sản xuất hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên, bao gồm Hwasong-15.
Mỹ - Triều không đưa ra thỏa thuận chung trong hội nghị thượng đỉnh lần hai ngày 27-28/2. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hôm 5/3 cảnh báo sẽ tăng cường trừng phạt nếu Triều Tiên không phi hạt nhân hóa.
Theo Huyền Lê (VnExpress.net)