Chuyên gia Mỹ cảnh báo về các đập thủy điện ở sông Mekong

26/03/2016 09:27:15

Hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu sông Mekong, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, do tác động không nhỏ của các đập thủy điện trong khu vực.

Hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu sông Mekong, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, do tác động không nhỏ của các đập thủy điện trong khu vực.

Đập thủy điện Tiểu Loan của Trung Quốc được cho là trữ lượng nước lớn từ Mekong. Ảnh minh họa: Igeo

 
Tiến sĩ Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, trao đổi với PV về tình hình hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và mối liên hệ với các nước cùng chia sẻ dòng sông Mekong.
 
- Ông đánh giá thế nào tình trạng hiện nay của đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam?
 
- Tình hình cực kỳ nghiêm trọng, xét về hạn hán, sự mất đất và xâm mặn. Chúng bị tác động bởi nhiều nguyên nhân, đó là các đập thủy điện trên thượng nguồn ở Trung Quốc, lớp trầm tích cần có ở các nhánh thuộc ba con sông Sesan, Srepok và Sekong để chống lại sự xâm nhập của nước biển, cùng với chính các hoạt động phát triển ở khu vực này đang hủy hoại môi trường.
 
Đó là các dự án tưới tiêu, các kênh đào, khai thác cát, các dự án phát triển của địa phương, sự đầu tư không giới hạn về nuôi trồng thủy sản và việc bơm nước sạch không có quy hoạch từ tầng nước ngầm.
 
Cần Thơ, các thành phố khác và thậm chí TP HCM ngày càng thấp hơn so với mực nước biển là vấn đề nghiêm trọng hơn so với sự xâm nhập mặn. Kể cả không có các đập thủy điện mới ở dòng chính và các nhánh chính sông Mekong thì vùng hạ lưu cũng có thể mất đến một nửa đất vào năm 2040 hoặc 2050, theo số liệu của một số chuyên gia có uy tín.
 
- Ông có thể lý giải nguyên nhân gây hạn hán ở đây?
 
- Hiện tượng El Nino trong nhiều năm đã có mối liên hệ với hạn hán ở lưu vực sông Mekong và dường như nó cũng đúng ở thời điểm này. Trên thực tế khu vực này đã phải chịu hạn hán cực độ trong hơn một thập kỷ.
 
Ở một số giai đoạn, mực nước thấp ở bắc Lào và Thái Lan có liên quan đến việc hút nước cho các đập mới thuộc thủy điện quy mô lớn Lan Thương (Lancang) của Trung Quốc. Việc hút nước cho đập Mạn Loan (Manwan) trong hệ thống này được thực hiện từ năm 1992-1993. Bên cạnh đó, mực nước thấp vào mùa khô ở hạ lưu Mekong trong những năm qua cũng có thể do việc hút nước cho đập thủy điện Nam Theun 2 của Lào.
 
Tình hình hạn hán ở Thái Lan và Campuchia cũng có vẻ nghiêm trọng. Không may là Thái Lan đã bắt đầu hút nước từ sông Mekong lên phía bắc. Tuy nhiên tôi chưa có đủ thông tin để đánh giá việc này có vai trò thế nào và sẽ dẫn tới hệ quả gì.
 
- Xin ông nói rõ hơn nguyên nhân khiến mực nước ở Mekong giảm mạnh trong năm nay?
 
- Các đập thủy điện ở thượng nguồn có thể là một nguyên nhân, đặc biệt là của Trung Quốc, khi dòng chảy ở Vân Nam được coi là dòng đơn quan trọng nhất trong mùa khô, có thể chiếm đến 40% trong những năm bình thường. Việt Nam và các nước ở hạ nguồn sông Mekong cần lo ngại về các đập của Trung Quốc, khi thủy điện Lan Thương có thể trữ lượng nước cao hơn mức trung bình một năm chảy vào Vân Nam từ phía bắc.
 
Thời điểm bắt đầu xây dựng đập thủy điện trên sông Lan Thương, đặc biệt là đập Tiểu Loan, một trong những con đập lớn nhất thế giới, Trung Quốc trấn an các nước ở hạ lưu rằng các đập ở đây vẫn có thể tăng dòng chảy xuống đáng kể trong mùa khô.
 
Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc cũng phải gánh chịu hạn hán nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với lũ lụt trong những năm gần đây. Trong hầu hết các mùa khô, Bắc Kinh không tăng dòng chảy trên sông. Vào thời điểm đầu năm và các tháng mùa khô, dòng chảy ở Chiang Saen, gần Tam giác vàng giữa Thái Lan, Lào va Myanmar thường ở mức rất thấp, hoặc do ảnh hưởng của thời tiết, hoặc do hoạt động của các đập thủy điện ở Vân Nam.
 

Các đập thủy điện đã và sắp được xây dựng trên sông Mekong. Đồ họa: Michael Buckley

 
- Điều gì cản trở các nước hạ lưu sông Mekong hợp tác để duy trì nguồn nước bền vững?
 
- Đây là một vấn đề mang tính nhạy cảm chính trị lớn, đến nay chưa có nước nào ở hạ lưu hay Trung Quốc sẵn sàng từ bỏ bất cứ quyền chủ quyền nào để phát triển một dòng sông chung thực sự. Thêm vào đó, không nước nào trong 4 nước thuộc Ủy hội sông Mekong (MRC) thiện chí cấp cho cơ quan này quyền lực hoặc ủng hộ về mặt chính trị để MRC thực hiện nhiệm vụ quản lý phát triển hợp tác, bền vững và hợp lý ở hạ lưu con sông.
 
Với Trung Quốc, nước này sẽ không chia sẻ thông tin liên tục về hoạt động của các đập thủy điện, bao gồm lượng nước xả ra mà chỉ cung cấp thông tin về lũ lụt trong mùa mưa.
 
- MRC cần thảo luận với Trung Quốc, nước không phải thành viên của MRC, như thế nào?
 
- Trong cuộc họp ở Hải Nam hôm 23/3, Trung Quốc tuyên bố trông đợi đưa ra một lộ trình hợp tác tiểu vùng với 5 nước Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar, theo truyền thông nước này. Chủ đề của hội nghị là "Con sông chung, cùng chia sẻ tương lai" sẽ có tác động nếu Trung Quốc thực sự có ý định cung cấp cho các nước ở hạ nguồn dữ liệu thực hoạt động của các đập thủy điện, về lượng nước xả ra bất thường và kết quả đánh giá tác động môi trường.
 
Tôi cho rằng điều quan trọng nhất Việt Nam có thể làm là thúc đẩy sự đoàn kết giữa 5 các nước nói trên, về việc cơ chế hợp tác cơ bản phải tập trung vào hợp tác về nước ở Mekong.
 
Chúng ta đều biết sự hạn chế lớn của Sáng kiến phát triển hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) mà Ngân hàng châu Á (ADB) hỗ trợ là tập trung vào đường sá và các cơ sở hạ tầng khác trên đất liền. Ở đây rõ ràng thiếu mất vấn đề kiểm soát của các nước đối với con sông chung.
 
Việt Nam và các nước ở hạ lưu Mekong cũng cần nhấn mạnh rằng cơ chế hợp tác Lan Thương - Mekong (LMC) cần thực sự tập trung vào con sông, chứ không phải hỗ trợ Bắc Kinh đưa hợp tác vào sáng kiến "Một vành đai, một con đường" hoặc đưa vào Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đưa ra. Nếu không sáng kiến của Trung Quốc sẽ không có giá trị thực chất nào so với mối quan ngại của các nước hạ nguồn về điều đang xảy ra ở dòng chính sông Mekong.
 
Theo Việt Anh (VnExpress.net)