Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters |
Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam vào cuối tháng này, nhiều quan chức và các nhà phân tích ở Washington đã đề cập đến việc Mỹ xem xét dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng và bức thiết khi quan hệ song phương của hai nước đang dần ấm lên và đặc biệt trong bố cảnh Mỹ và Việt Nam ngày càng có nhiều lợi ích chung tại Biển Đông, theo Trung tâm nghiên cứu và chiến lược quốc tế (CSIS).
Murray Hiebert, phó giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS cho rằng mặc dù những năm gần đây, quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ có những bước tiến quan trọng, nhưng quân đội hai nước mới chỉ bắt đầu hiểu về nhau.
Nhiều người Việt Nam vẫn đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có ý định hợp tác với Việt Nam một cách nghiêm túc và mang tính xây dựng trong những năm tới. Cảm giác "nghi ngờ" này không phải là mới mà xuất hiện sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và tồn tại trong giai đoạn hai nước bàn bạc xây dựng các cam kết cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995.
Hai nước, từng bước phải làm việc tích cực nhằm xóa bỏ những tàn tích "nghi ngờ" lẫn nhau. Năm ngoái, điều này thể hiện bằng chuyến thăm đầu tiên của Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng.
Đây là tín hiệu cho thấy hai bên đã có sự tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Tuần tới, Tổng thống Mỹ Obama sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam. Ông cũng là tổng thống thứ ba liên tiếp đến Việt Nam, sau Bill Clinton và George Bush.
Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ sẽ xóa bỏ những tàn tích nghi ngờ còn lại giữa hai nước. Những cá nhân có thẩm quyền trong chính phủ Mỹ hiện đang nghiêm túc xem xét về vấn đề này.
Một trong những người đề xướng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm là Thượng nghị sĩ John McCain. Ông đã chỉ ra những giá trị trong việc xây dựng mối quan hệ an ninh hàng hải chặt chẽ hơn với lực lượng quân đội đang phát triển nhanh của Việt Nam. Trong khi đó, những người chỉ trích tuy đưa ra một số hạn chế nhưng nói chung vẫn ủng hộ sự phát triển hơn nữa của quan hệ Việt-Mỹ, trong đó có quan hệ quốc phòng.
Theo ông Hiebert, đối với Washington, việc dỡ bỏ lệnh cấm có thể là thông điệp hay một cách thức xây dựng lòng tin, truyền tải đến Hà Nội rằng Mỹ mong muốn nhìn thấy Việt Nam sẽ gia tăng những sáng kiến và đề xuất hợp tác trong giai đoạn mới của mối quan hệ quốc phòng hai nước, đặc biệt là trong lĩnh thương mại quân sự.
Những nỗ lực ban đầu trong vấn đề này đang được tiến hành nhưng vẫn chỉ ở giai đoạn đầu. Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiến hành một nhóm làm việc về vấn đề thưong mại quân sự, cho phép đại diện từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và Việt Nam tham gia vào khuôn khổ chính thức đối thoại chính sách quốc phòng giữa hai bộ.
Đồng thời, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam quen hơn với quy trình mua bán quốc phòng kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ một phần.
Việt Nam, trong quá trình hiện đại hoá quân đội đang coi những công nghệ quân sự của Mỹ như một trong những cơ hội để nâng cao năng lực quốc phòng. Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Tuy nhiên, tình trạng không rõ ràng do lệnh cấm vận vũ khí gây ra đã làm phức tạp thêm cho Việt Nam khi muốn tăng cường hợp tác với Mỹ trong vấn đề này.
"Chính sách đối ngoại của Mỹ có hiệu quả nhất khi các nhà lãnh đạo sử dụng đúng các công cụ của mình. Trong chuyến thăm lần này, ông Obama đang có cơ hội quan trọng để thông báo cho các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rằng Mỹ đang nghiêm túc xem xét việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Quốc hội Mỹ sẽ có cơ hội đánh giá lại tình hình sau chuyến thăm của ông Obama. Lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam thực sự đã lỗi thời", ông Hiebert khẳng định.
Theo Nguyễn Hoàng (VnExpress.net)