"Khó có khả năng người dân sẽ bị hạn chế trở về nhà vào dịp Tết 2023, tuy vậy quan trọng là đẩy mạnh chuẩn bị," hãng Tân Hoa Xã dẫn lời chuyên gia bệnh truyền nhiễm Chung Nam Sơn hôm 09/12.
"Tôi đề xuất người dân sẵn sàng về nhà nên tiêm liều bổ sung để không gặp triệu chứng nặng ngay cả khi mắc Covid-19. Một liều bổ sung sẽ có hiệu lực sau hai tuần. Nó sẽ giúp tránh lây nhiễm diện rộng trong dịp Tết, khi người dân tập trung thành đám đông," ông Chung Nam Sơn nói.
Với chính sách "Zero Covid" trong ba năm qua, giới chức Trung Quốc kêu gọi người dân thận trọng, tránh di chuyển trong các dịp lễ, trong đó có Tết Nguyên đán, thời điểm mọi người gặp gỡ gia đình họ.
Tuy vậy, chính sách "Zero Covid" gây ảnh hưởng tới kinh tế, và giới chức Trung Quốc trong những tuần qua đã dỡ bỏ những biện pháp giới hạn nghiêm ngặt nhất.
Trong động thái mới nhất hôm 07/12, giới chức cho phép người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng cách ly tại nhà. Xét nghiệm PCR diện rộng được dỡ bỏ, chiến dịch tiêm chủng được khởi động trở lại.
Các thành phố lớn như Bắc Kinh và Quảng Châu ghi nhận số ca nhiễm tăng cao, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế, xã hội dần trở lại. Các nhà phân tích cho rằng phục hồi kinh tế sẽ gặp một số khó khăn, do lây nhiễm diện rộng có thể làm gián đoạn kinh tế, nhưng cuộc sống bình thường sẽ trở lại vào năm 2023.
Bằng cách phân tích các ca nhiễm tại Quảng Châu, một trong những tâm dịch của làn sóng Omicron hiện nay, Chung Nam Sơn và nhóm nghiên cứu của ông dự đoán tình hình dịch tại thành phố sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 01 hoặc giữa tháng 02/2023.
"Tôi được hỏi khi nào cuộc sống của chúng ta có thể trở lại thời điểm năm 2019 trước khi Covid-19 bùng phát. Quan điểm của tôi là nửa đầu năm 2023, sau tháng 03," ông Chung cho biết.
"Dù không thể chắc chắn điều đó, xu hướng cho thấy điều đó sẽ diễn ra vào khoảng thời gian trên," ông Chung nói thêm.
Dự đoán kể trên giống với dự đoán của bác sĩ Zhang Wenhong ở Thượng Hải, cho rằng làn sóng Covid-19 tại thành phố này sẽ đạt đỉnh trong một tháng tới, và sẽ kết thúc trong khoảng 3-6 tháng.
Trong bài viết trên tờ Caixin hôm 11/12, Zhang cho rằng nhân viên y tế nhiều khả năng sẽ nhiễm bệnh, và cần phải chuẩn bị để tránh trường hợp thiếu tài nguyên y tế. Bên cạnh đó, các cộng đồng có nguy cơ cao cũng cần được bảo vệ, Zhang cho biết thêm.
Dẫn chứng nghiên cứu về Covid-19 từ Qatar và Đan Mạch, Chung Nam Sơn và nhóm nghiên cứu của ông cho rằng trường hợp người nhiễm biến thể Omicron hiếm khi nhiễm virus một lần nữa trong một thời gian dài.
"Như vậy, mắc Omicron gần giống tiêm một mũi vaccine Covid-19. Tất nhiên, điều này không phải là để khuyến khích người dân nhiễm Omicron," ông Chung giải thích.
Ông Chung Nam Sơn nhấn mạnh cần đeo khẩu tranh để tránh virus lây lan, đồng thời khuyến khích người dân không nên vội vã mua thuốc hạ sốt và cảm cúm, bởi việc tích trữ thuốc là không cần thiết vì có thể gây hoảng loạn diện rộng.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)