Tờ Korean Herald đưa tin, trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 161 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 763, trong đó 7 người đã tử vong.
Với số ca nhiễm này, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành "ổ dịch" Covid-19 lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục.
Các chuyên gia y tế Hàn Quốc cho rằng việc số người nhiễm virus corona tăng theo cấp số nhân trong những ngày qua cho thấy Hàn Quốc đã bỏ lỡ 'thời điểm vàng' để khống chế dịch và Covid-19 có thể tiếp tục bùng phát với quy mô lớn trong thời gian tới.
Ông Kim Dong Hyun, Chủ tịch Hội Dịch tễ học, chuyên gia y tế dự phòng tại Khoa Y Đại học Hallym, nhận định: "Hàn Quốc đã qua khỏi thời điểm mà một mình chính phủ hoặc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) có thể tự khống chế dịch. Cần có hành động toàn xã hội. Mọi người buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn do cơ quan y tế đặt ra".
Trong khi đó, Peck Kyong Ran, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Samsung, lãnh đạo Hội Bệnh Truyền nhiễm Hàn Quốc, quan ngại trước số ca nhiễm không phát hiện liên kết dịch tễ học đang tăng ở mức báo động. Điều này cho thấy người dân có nguy cơ mắc bệnh dù không đến những khu vực rủi ro lây nhiễm cao hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh.
"Đề nghị người dân hủy mọi cuộc gặp hoặctập trung đông người không cần thiết. Nếu được thì mọi người cứ ở nhà, ít nhất là cho đến khi tốc độ lây nhiễm bắt đầu giảm xuống", bà Peck nhận định.
Trong khoảng một tháng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ngày 20/1, Hàn Quốc tập trung vào việc cách ly toàn bộ bệnh nhân trong phòng áp lực âm và theo dõi những người từng tiếp xúc với họ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chiến lược ứng phó này giờ đây không còn khả thi, khi số ca nhiễm tăng vọt trong vài ngày qua.
Tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc tính đến sáng 24/2 lên đến 763. Nước này cũng ghi nhận ít nhất 7 trường hợp tử vong vì dịch bệnh. Lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên cấp độ cao nhất.
"Cần thay đổi chiến lược ứng phó từ kiểm soát sang giảm nhẹ, bởi tình trạng phơi nhiễm trong cộng đồng là không thể tránh khỏi trong giai đoạn này", Choi Won-seok, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Hàn Quốc, nói.
Ông Choi giải thích "giảm nhẹ" ở đây nhằm mục đích trì hoãn sự tiến triển của dịch để giới chức và nhân viên y tế có thể tăng tốc độ phản ứng trong thời gian này.
Phó giám đốc trung tâm cấp cứu của Bệnh viện Đại học Inha, Park Jin-hui cho rằng các cơ sở y tế ở Hàn Quốc đang gặp khó khăn vì thiếu nhân lực và vật lực đối phó với dịch.
"Dịch bệnh mới chỉ bùng phát một tháng mà các bệnh viện đã hết chỗ để tiếp nhận thêm bệnh nhân có triệu chứng sốt và viêm đường hô hấp, những người này cần được tách riêng khỏi nhóm bệnh nhân khác", ông Park chia sẻ.
"Nhiều bác sĩ lo ngại rằng bệnh nhân mắc bệnh nặng khác có thể bị bỏ qua khi mọi nguồn lực y tế tập trung đối phó với dịch Covid-19. 4 trung tâm cấp cứu ở Daegu đã đóng cửa. Bệnh nhân buộc phải tìm tới những bệnh viện ở nơi xa hơn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus cho cộng đồng và bỏ lỡ các điều trị sớm cần thiết", ông Park nói thêm.
Ki Moran, chỉ đạo ủy ban ứng phó khẩn cấp thuộc Cơ quan Y tế dự phòng Hàn Quốc, nói "Chúng ta sẽ không đủ khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại nếu các cá nhân không tuân theo các khuyến nghị được đưa ra".
Bà Ki kêu gọi bất kỳ ai có triệu chứng giống cúm không nên ra khỏi nhà, đặc biệt là những người trên 65 tuổi và người có bệnh từ trước. Bà cũng cho hay các hiệp hội y tế đã yêu cầu chính phủ cho phép học sinh nghỉ học và nhân viên nghỉ làm nếu họ xuất hiện triệu chứng dù nhẹ.
Giới chuyên gia y tế cũng khuyên mọi người nên rửa tay và che miệng khi ho, khử trùng các đồ dùng hoặc bề mặt thường xuyên tiếp xúc, giữ phòng thông thoáng, tránh hội họp và tụ tập đông người, hạn chế để người già và người có hệ thống miễn dịch yếu ra ngoài.
"Chúng ta mới chỉ thấy dịch bắt đầu lây lan trên phạm vi cả nước. Nhưng những khuyến nghị an toàn trên có thể giúp chúng ta giảm bớt rủi ro. Thật khó để nhận ra bạn hay ai đó nhiễm bệnh trong giai đoạn đầu, khi những triệu chứng chưa rõ ràng và đây cũng là giai đoạn bệnh lây nhiễm nhanh nhất. Tóm lại, giữ vệ sinh và hạn chế tiếp xúc bên ngoài là chìa khóa để chống dịch", ông Kim, chủ tịch Hiệp hội Dịch tễ học Hàn Quốc, cho biết.
HL (Nguoiduatin.vn)