Báo cáo khiến Anh và Mỹ "thức tỉnh"
Khi ông Boris Johnson vận động để Anh rời EU trong năm 2016, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng sự kiện này sẽ đem lại thảm họa cho nước Anh. Khi đó, một trong những người thân cận của ông Johnson là Michael Gove đã tuyên bố một cách thẳng thừng rằng "người dân nước này đã có quá đủ chuyên gia rồi".
Hiện tại, ông Gove và ông Johnson đang điều hành chính phủ Anh chống lại dịch bệnh do virus corona gây ra. Ông Johnson, hiện là thủ tướng Anh, yêu cầu quá trình phòng chống dịch phải được dẫn đầu bởi các chuyên gia. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, các chuyên gia lại thường xuyên bất đồng quan điểm hoặc thay đổi suy nghĩ của họ về những việc cần phải làm.
Điều này đã được phản ánh rõ nét khi Đại học Hoàng gia Anh tại London xuất bản một báo cáo mới về dịch COVID-19. Báo cáo cảnh báo rằng sự lây lan không thể kiểm soát của virus corona sẽ khiến 510.000 người tử vong tại Anh và thông tin này đã khiến chính phủ Anh nhanh chóng thay đổi phản ứng của họ trước virus.
Các quan chức Mỹ cho biết mô hình dự đoán của báo cáo nói trên cũng ước tính Mỹ sẽ có tới 2,2 triệu người tử vong nếu không thắt chặt các biện pháp can thiệp. Vì lí do đó, Nhà Trắng đã buộc phải tăng cường các biện pháp cách ly trong xã hội.
Đại học Hoàng gia Anh đã đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ trong các đại dịch trước, bao gồm dịch SARS, dịch cúm gia cầm và cúm lợn. Với mối liên hệ chặt chẽ với WHO và một đội ngũ 50 nhà khoa học - dẫn đầu bởi nhà dịch tễ học hàng đầu Neil Ferguson - các nghiên cứu của Đại học Hoàng gia Anh được coi là "tiêu chuẩn vàng" và những mô hình toán học tại đây có ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách của chính phủ.
Tuy nhiên, các chuyên gia bên ngoài chỉ ra rằng kết luận của bản báo cáo - về việc virus sẽ khiến các bệnh viện quá tải và chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài áp dụng chính sách phong tỏa nghiêm khắc - đã được đưa ra trước đó trong những nghiên cứu được đăng tải trên mạng xã hội liên quan tới đại dịch này.
"Vấn đề không phải ở chỗ họ nói gì, mà là ai nói. Ông Neil Ferguson có tầm ảnh hưởng rất lớn," Devi Sridhar, giám đốc của chương trình theo dõi y tế toàn cầu tại Đại học Edinburgh, cho biết.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Đại học Hoàng gia Anh cũng là một phần trong nhóm đề xuất chiến lược "miễn dịch cộng đồng" mà hiện tại đã không được chính phủ chấp nhận. Theo chiến lược này, việc giữ khoảng cách trong cộng đồng không quá cần thiết, dịch bệnh sẽ dần lây nhiễm trong dân số Anh và những người khỏi bệnh sẽ có đủ kháng thể để đối phó với COVID-19 trong mùa đông năm sau.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết nếu làm theo chiến lược này, các bệnh viện trên khắp nước Anh sẽ quá tải vì hàng nghìn bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Thay vào đó, nước Anh nên theo đuổi chiến lược "kìm hãm", tức là tăng cường phong tỏa chặt chẽ, đóng cửa trường học, cách ly người nhiễm bệnh và gia đình họ. Việc này sẽ giúp làm giảm số ca nhiễm bệnh và chặn các luồng lây nhiễm trong khoảng thời gian dài, giúp bệnh viện có đủ khả năng chữa trị bệnh nhân.
Ông Ferguson cho biết báo cáo đã đưa ra kết luận mới dựa trên dữ liệu mới nhất từ Italy. Hiện tại, Italy có số ca lây nhiễm bệnh tăng mạnh, các bệnh viện không thể chữa trị hết cho người bệnh và các bác sĩ buộc phải đưa ra quyết định "đau đớn" về việc phải ưu tiên chữa cho những người có cơ hội sống sót cao hơn.
Lựa chọn duy nhất
Ông Ferguson nói trong cuộc phỏng vấn: "Nước Anh đã vất vả trong nhiều tuần qua để tìm cách giải quyết dịch bệnh về lâu dài. Dựa trên dự đoán của tôi và các đồng nghiệp, nước Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc học tập Trung Quốc và tăng cường kìm chế dịch COVID-19".
Các chuyên gia khác cho biết áp lực đối với bệnh viện đã rất rõ ràng kể từ khi dịch bùng phát mạnh ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tạp chí y khoa uy tín Lancet hồi tháng 1 đã đăng tải một nghiên cứu cho thấy 1/3 những bệnh nhân nhiễm bệnh đã phải được điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt.
"Tôi không thể không tức giận khi phải mất tận 2 tháng để các chính trị gia - và thậm chí cả các 'chuyên gia' - nhận ra sự nguy hiểm của SARS-CoV-2. Những sự nguy hiểm đó rất rõ ràng ngay từ thời kì ban đầu," Richard Horton, tổng biên tập của Lancet, viết trên Twitter cá nhân.
Một số chuyên gia cho biết các biện pháp giữ khoảng cách xã hội cần phải được áp dụng trong ít nhất 18 tháng cho tới khi vaccine được phát triển và thử nghiệm xong. Nhưng báo cáo cũng thừa nhận rằng đây là điều không chắc chắn bởi hiện các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ về cách thức lây truyền của virus.
"Chúng ta đang sử dụng phương pháp chống dịch cúm của năm 1918. Nhưng hiện tại chúng ta đang ở thời điểm khác so với năm 1918, chúng ta đang ở năm 2020," ông Sridhar nói.
Một vài ngày sau vụ tranh cãi xoay quanh "miễn dịch cộng đồng", chính phủ Anh tuyên bố rằng đây không phải là chiến lược nước này áp dụng và tăng cường yêu cầu mọi người không đi tới các quán rượu, nhà hàng, bảo tàng và nhà hát.
Cố vấn khoa học của chính phủ, ông Patrick Vallance, nói những hạn chế nói trên có thể sẽ kéo dài nhiều tháng - và chính quyền có thể sẽ phải giám sát cẩn thận kể cả khi dịch bệnh "kết thúc".
Quan chức Anh thừa nhận rằng hệ thống y tế của họ đang đứng trước những nguy cơ thực sự. Tất cả các ca bệnh không khẩn cấp ở Anh sẽ được hoãn điều trị trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 15/4, để có thêm 30.000 giường bệnh hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona.
Anh cũng chậm hơn các nước châu Âu khác trong việc điều phối các nguồn cung cấp máy thở. Theo kế hoạch, nước này sẽ tăng số máy thở lên 8.000 tới 12.000 máy, mặc dù các quan chức cũng không dám chắc con số này đủ cho thời kì đỉnh điểm dịch bệnh.
Ngoài ra, Anh sẽ chuẩn bị gói hỗ trợ trị giá 422 tỉ USD - bao gồm khoản vay chính phủ, hoãn thếu cho các công ty và 3 tháng hoãn trả nợ thế chấp - trong bối cảnh tình hình bệnh leo thang.
Ngày 17/3 vừa qua, ông Johnson cho biết đang cân nhắc về việc đóng cửa trường học. Tuy nhiên, ông vẫn chịu chỉ trích vì không minh bạch trong một số vấn đề, ví dụ như kêu gọi mọi người tránh tới các quán rượu và nhà hàng nhưng không yêu cầu đóng cửa các địa điểm này.
Theo Tất Đạt (Báo Dân Sinh)