Tàu lặn Titan bị mất liên lạc hôm 18-6. Nó phát ra tín hiệu "ping" cuối cùng khi ở phía trên xác tàu Titanic.
Vì không có cách nào để liên lạc với tàu lặn nên các chuyên gia phải dự đoán những gì có thể xảy ra, không loại trừ những nguyên nhân như hỏa hoạn, mất điện, rò rỉ...
Về khả năng mất điện, theo Giám đốc trung tâm đóng tàu tại Trường ĐH Adelaide (Úc) Eric Fusil, Titan là tàu lặn chạy bằng pin. Vì vậy, nếu xảy ra tình trạng mất điện, liên lạc cũng sẽ bị cắt đứt. Không rõ Titan có nguồn điện dự phòng hay không.
Đây là lý do một số tàu ngầm trang bị 2 nguồn năng lượng: điện và khí nén hoặc thủy lực nhằm đề phòng bất trắc.
Về khả năng hỏa hoạn, có thể xảy ra nếu hệ thống điện trong tàu lặn bị chập. Hậu quả, liên lạc sẽ bị cắt đứt và khói độc sản sinh trong khoang. Không loại trừ một đám cháy bùng lên trong tàu lặn, gây tổn hại cho hệ thống điện tử được sử dụng để điều hướng và điều khiển tàu lặn.
Về khả năng rò rỉ, nếu xảy ra, nó sẽ dẫn đến thảm kịch vì tàu lặn phải chịu áp lực ngày càng tăng khi xuống sâu dưới đại dương.
Ông Fusil tính toán ở độ sâu 4.000 m, áp lực tương đương hơn 4.000 tấn đè lên khu vực có diện tích 1 mét vuông. Nếu thân tàu carbon và titanium của Titan bị một vết nứt hoặc lỗi nhỏ, một vụ nổ chết người sẽ xảy ra sau đó.
Nhà thám hiểm G Michael Harris, người đến thăm hiện trường vụ đắm tàu Titanic nhiều lần, nói với đài Fox News: "Tình huống tồi tệ nhất là điều gì đó đã xảy ra với thân tàu và nó phát nổ khi ở độ sâu 3.200 m".
Một khả năng khác là Titan có thể đã trồi lên mặt nước nhưng không thể liên lạc với tàu hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà hải dương học Simon Boxall tại Trường ĐH Southampton (Anh), cho rằng nếu ở trên mặt nước thì tàu lặn có khả năng sẽ liên lạc được.
Khả năng cuối cùng là Titan bị mắc kẹt trong đống đổ nát của xác tàu Titanic do dòng chảy dưới nước mạnh.
TS Michael Guillen, từng đến thăm hiện trường vụ đắm tàu Titanic, kể rằng tàu của ông bị đẩy về phía những chân vịt nặng 21 tấn của Titanic. Thủy thủ đoàn sau đó cố gắng xoay sở để thoát khỏi tình cảnh này.
Trong khi đó, nhà hải dương học Boxall cho biết trong tàu lặn Titan khá chật chội, chỉ có một nhà vệ sinh và những người trong khoang chắc sẽ rất lo lắng. TS Jamie Pringle, Trường ĐH Keele (Anh), nói với Daily Mail: "24 giờ đầu tiên kể từ khi tàu ngầm mất tích là giờ vàng. Để càng lâu, càng có ít cơ hội sống sót".
Ngoài ra, một số thách thức đối với hoạt động tìm kiếm bao gồm vị trí tàu lặn mất tích, độ sâu, dòng nước chảy siết và kích thước tàu ngầm nhỏ.
Cựu lính Hải quân Pháp Paul-Henry Nargeolet, 77 tuổi, một trong những người mất tích trên tàu lặn Titan, từng cảnh báo hồi năm 2019: “Nếu bạn ở độ sâu 11 m hoặc 11 km, nếu xảy ra điều gì đó tồi tệ thì kết quả là như nhau. Khi bạn ở rất sâu dưới nước, bạn sẽ chết trước khi nhận ra có điều gì đó đang xảy ra”.
Ông G. Michael Haris, thợ lặn giàu kinh nghiệm và biết 3 trong số 5 người mất tích trên tàu lặn Titan, cho Daily Mail biết: "Tôi không lạc quan về khả năng những người trên tàu ngầm được giải cứu. Hải quân Mỹ sẽ không làm gì được".
Oxy dự trữ trong tàu lặn Titan có thể duy trì đến sáng 22-6 (giờ địa phương). Lực lượng Canada và một số tàu tư nhân đang hỗ trợ hoạt động tìm kiếm. Tuy nhiên, ngay cả khi xác định vị trí của tàu lặn Titan trước khi nó cạn kiệt oxy dự trữ, điều phối viên Mỹ Jamie Frederick thừa nhận không có gì đảm bảo lực lượng cứu hộ có thể đưa tàu lặn lên trên mặt nước.
Cuộc giải cứu sâu nhất dưới đại dương thành công là vào năm 1973. Các kỹ sư người Anh Roger Mallinson và Roger Chapman được cứu sống sau khi tàu ngầm của họ bị mắc kẹt ở độ sâu 480 m.
Viện Hải dương học của Pháp đang gửi tàu Atalante cùng với robot Victor 6000 đến khu vực tàu lặn Titan mất tích. Con tàu dự kiến đến nơi vào khoảng 18 giờ tối 21-6. Robot có khả năng hoạt động ở độ sâu hơn 6.000 m.
Phạm Nghĩa (Người lao động)