Chuyến công du của William - Kate bị báo chí chê tơi tả, chỉ trích là 'thảm họa', nguyên nhân vì sao?

28/03/2022 13:40:24

Các tờ báo Anh và Mỹ đánh giá việc Hoàng tử William và Công nương Kate thăm các nước vùng Caribe cho thấy quan điểm của Hoàng gia Anh đã lỗi thời.

Bình luận trên tờ The Guardian, nhà báo Moya Lothian-McLean cho rằng Hoàng gia Anh vẫn đang phải đối mặt với "khủng hoảng", đồng thời mô tả chuyến đi của William và Kate tới vùng Caribe là "thảm họa".

Chuyến đi nằm trong kế hoạch lấy lòng người dân ở vùng Caribe trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng Elizabeth II đăng cơ, tuy vậy nhà báo Lothian-McLean cho rằng nó giống như "một lời tạm biệt dài, với nhiều dòng tít về các buộc biểu tình chống Hoàng gia, về việc Hoàng gia vẫn chưa đề cập đến di sản của chế độ, và về việc Jamaica sắp xóa bỏ tư cách nguyên thủ của Nữ hoàng".

Có lẽ đã đến lúc Hoàng gia Anh "đối mặt với sự thật" rằng mặt trời đang lặn trên phần còn lại của đế quốc của họ, Lothian-McLean bình luận.

Chuyến công du của William và Kate gặp trục trặc ngay từ những ngày đầu. Sự kiện đầu tiên mà họ có kế hoạch tham gia tại Belize phải hủy bỏ vì các cuộc biểu tình của người Q’eqehi Maya về việc tranh chấp đất đai với một tổ chức từ thiện được William bảo hộ.

Tại Jamaica, cặp đôi tiếp tục vấp phải làn sóng biểu tình dữ dội, khi dư luận địa phương yêu cầu Hoàng gia xin lỗi và đền bù liên quan tới việc buôn bán nô lệ trước đây. Thủ tướng Jamaica Andrew Holness cũng tuyên bố trước William và Kate rằng nước này muốn "độc lập", dường như sẵn sàng theo chân Barbados xóa bỏ vai trò nguyên thủ của Nữ hoàng.

Hoàng tử William sau đó đã phải ra tuyên bố cho biết anh rất "đau buồn" về vấn đề nô lệ trong quá khứ, tuy vậy vẫn không xin lỗi.

Chuyến công du của William - Kate bị báo chí chê tơi tả, chỉ trích là 'thảm họa', nguyên nhân vì sao?
William và Kate gặp gỡ trẻ em da màu qua hàng rào mắt cáo (Ảnh: Chris Jackson)

Trong khi đó, trên tờ New York Times, nhà báo Mark Landler nêu hai sự việc được cho là gây mất lòng nghiêm trọng. Thứ nhất, trong sự kiện duyệt binh ở Jamaica, hoàng tử Wiliam và công nương Kate đứng trên chiếc xe Land Rover từng chở Nữ hoàng và Hoàng thân Philip tại nước này vào năm 1962. Đối với một số người dân địa phương, đây là hình ảnh gợi nhớ lại "lãnh sự thời kỳ thực dân duyệt binh".

Bên cạnh đó, tại Kingston, cặp đôi đã có sự kiện giao lưu với người dân địa phương và tôn vinh nhạc sĩ reggae Bob Marley, một người Jamaica. Tuy vậy, thu hút sự chú ý của giới truyền thông lại là bức ảnh họ chạm tay với những đứa trẻ da màu ở bên kia hàng rào mắt cáo, một hình ảnh được coi là không thích hợp trong bối cảnh Hoàng gia Anh vẫn bị bủa vây bởi những chỉ trích cho rằng họ vẫn còn phân biệt chủng tộc.

Sự không hài lòng của người dân ở khu vực Caribe không chỉ bắt nguồn từ việc các phóng viên chụp được những hình ảnh không tinh tế của vợ chồng William - Kate, theo các chuyên gia về Hoàng gia.

Tin tức về những vụ cảnh sát giết người da đen ở Mỹ đã khiến suy nghĩ của người dân vùng Caribe về Hoàng gia Anh và về di sản của chế độ thực dân đã thay đổi đáng kể. Dù rằng người dân vùng Caribe vẫn kính trọng Nữ hoàng Elizabeth II, họ được cho là ngày càng mất kiên nhẫn khi Hoàng gia Anh không chịu đưa ra lời xin lỗi và nói về việc bồi thường.

Với tình hình hình đó, giáo sư Richard Drayton tại Kings College London cho rằng Điện Buckingham đã sai lầm khi lên kế hoạch cho vợ chồng William - Kate đi công du. Họ muốn hai nhân vật Hoàng gia được lòng công chúng nhất đại diện cho Nữ hoàng tới thăm khu vực Caribe để lấy lòng người dân tại đây và tìm cách thuyết phục họ không xóa bỏ vai trò nguyên thủ của Nữ hoàng.

"Đây là một chiến thuật rất cũ kỹ của Hoàng gia nhằm củng cố ảnh hưởng lên lãnh thổ tự trị thuộc khối liên hiệp Anh... Họ cho rằng chỉ cần đơn giản là cử các thành viên Hoàng gia tới để lấy lòng người dân, nhưng điều này thể hiện sự thiếu suy nghĩ," giáo sư Drayton nói.

Giới chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh này, nếu Harry và Meghan Markle thực hiện chuyến đi thay vì William và Kate, mọi chuyện sẽ tốt hơn cho Hoàng gia. Meghan Markle từng khiến đám đông người dân địa phương vô cùng hào hứng trong chuyến đi tới châu Phi hồi năm 2019, khi cô và Harry vẫn là thành viên cao cấp của Hoàng gia Anh.

"Nếu chuyến công du này được thực hiện bởi Harry và Meghan, có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều so với William và Kate. Harry và Meghan giống như viên đạn bạc của Hoàng gia, họ có thể làm mọi thứ dễ chịu hơn," nhà sử học Ed Owens nhận xét.

Tuy vậy, ngay cả khi Harry và Meghan Markle công du tới Caribe, tình thế vẫn là rất khó cứu vãn với Hoàng gia Anh. Giáo sư Drayton cho rằng bất kể điều gì xảy ra, Jamaica cũng sẽ trở thành nước cộng hòa trong hai năm tới, tiếp theo đó là Belize, dù tình hình tại nước này phức tạp hơn vì những lo ngại liên quan tới Guatemala.

Hà An (Nguoiduatin.vn)