Trước thềm chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, hai bên tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn về vấn đề Syria.
Chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từ ngày 11 - 12.4 đã được lên kế hoạch từ trước khi Tổng thống Donald Trump quyết định tiến hành tấn công Syria. Thậm chí, ngay cả trước khi xảy ra sự kiện này thì chuyến công du của ông Tillerson đã đầy những vấn đề khó nuốt như cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, nghi vấn xung quanh Moscow triển khai tên lửa hành trình mới vi phạm hiệp định kiểm soát vũ khí song phương cũng như vấn đề tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria và chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Đến nay, cả hai bên dự kiến sẽ có những thảo luận nảy lửa sau khi tàu chiến Mỹ bắn phá căn cứ không quân Shayrat của quân đội Syria hồi tuần trước.
Reuters dẫn lời giới quan sát và một số quan chức chính quyền Mỹ cho rằng quyết định tấn công là nhằm tạo lợi thế đàm phán cho Ngoại trưởng Tillerson trước khi ngồi vào bàn thảo luận về vấn đề Syria theo hướng khiến Nga phần nào nhượng bộ theo đường hướng giải pháp của Mỹ. “Tôi hy vọng sẽ có những cuộc thảo luận có tính chất xây dựng với chính phủ Nga, với Ngoại trưởng Sergey Lavrov và dành được sự ủng hộ của Nga trong quá trình có thể tiến tới ổn định Syria”, ông Tillerson tuyên bố trước khi lên đường ngày 10.4. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ đã cùng những người đồng cấp thuộc G7 họp tại Ý và thông điệp chung kêu gọi Nga từ bỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, những phản ứng mới từ Moscow cho thấy Nga vẫn cương quyết bảo lưu quan điểm và sẽ không chùn bước. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin sẽ không tiếp ông Tillerson như dự kiến dù cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước vẫn sẽ diễn ra.
Bình luận về cuộc tấn công của Mỹ, ông Peskov nhấn mạnh hành động này cho thấy Washington “hoàn toàn không muốn hợp tác” với Moscow về vấn đề Syria và việc buộc ông Assad ra đi “sẽ không giúp giải quyết vấn đề”. Tổng thống Putin cũng điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng Mỹ đã hành động một cách “không thể chấp nhận được cũng như vi phạm luật quốc tế”, theo Sputnik. Tổng thống Rouhani cũng nhắc lại thông tin từ Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói Nga và Mỹ đã “ở bên ngưỡng đối đầu” sau khi căn cứ Syria bị tấn công đột ngột.
Cũng trong ngày 10.4, thượng nghị sĩ Nga Victor Ozerov tuyên bố việc Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Syria là nhằm ủng hộ nỗ lực chống khủng bố của chính quyền Damascus chứ không phải là “vội vã phản ứng” vụ tàu chiến Mỹ nã tên lửa.
Cũng trong hôm qua 10.4, hai ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình rời Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lên tiếng kêu gọi các bên tôn trọng chủ quyền Syria và tuyên bố Trung Quốc phản đối dùng vũ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này, theo Hãng tin Tass.
Theo Thụy Miên (Thanh Niên Online)