Chuyện có thật về 'con trai của Mặt trời' bằng xương bằng thịt: Ngay khi trời tối, hai cậu bé lập tức biến thành 'thực vật'

05/09/2021 07:05:16

Trường hợp kỳ lạ này thực sự khiến giới khoa học phải "đau đầu" tìm lời giải.

Chuyện có thật về 'con trai của Mặt trời' bằng xương bằng thịt: Ngay khi trời tối, hai cậu bé lập tức biến thành 'thực vật'

Có một cặp anh em đặc biệt sống tại một ngôi làng ở tỉnh Balochistan, Pakistan. Người anh 13 tuổi tên là Shoaib Ahmed và em trai 9 tuổi là Abdul Rasheed.

Ban ngày, cả hai giống như những đứa trẻ bình thường, tuy nhiên ngay khi mặt trời lặn, hai anh em sẽ bị "tê liệt" và chuyển sang trạng thái "thực vật": Không thể nói hoặc đi lại, giống như một cặp robot cạn kiệt năng lượng Mặt trời...

Vì hiện tượng kỳ lạ này, Shoaib và Abdul đã được những người xung quanh đặt cho một biệt danh đẹp đẽ nhưng buồn bã: "Những đứa con của Mặt trời".

CĂN BỆNH QUÁI LẠ

Khi Shoaib chỉ mới vài tuổi, cha của cậu đã phát hiện ra vấn đề này. Mỗi khi Mặt trời sắp xuống núi và ánh sáng dần dần mờ đi, Shoaib bắt đầu yếu hơn, thậm chí không nói được, nằm trên mặt đất bất động. Sau đó, người em trai là Abdul được sinh ra, cậu bé cũng có những biểu hiện tương tự như anh của mình.

Shoaib cho biết mỗi lần như vậy sẽ có cảm giác như sau: "Lúc đầu là đau cơ hàm dưới, đau răng, cả người không nói được, về sau chân tay cũng bắt đầu đau nhức, không còn chút sức lực nào..."

Do đó, gia đình phải thường xuyên theo sát anh em Shoaib và Abdul, cả hai cũng không được đi chơi xa và phải về nhà trước khi mặt trời lặn.

Các chuyên gia y tế cho biết, trường hợp của Shoaib và Abdul chưa từng có tiền lệ. Nhiều chuyên gia y tế quốc tế cũng cho biết, họ chưa bao giờ nghe nói về một căn bệnh kỳ lạ như vậy.

Nói cách khác, hai anh em Shoaib và Abdul có lẽ là trường hợp duy nhất trên thế giới.

KHOA HỌC VÀO CUỘC

Viện Y học Pakistan đã cử người đến điều tra và chẩn đoán cho hai anh em. Để loại bỏ các yếu tố môi trường bên ngoài, đầu tiên các điều tra viên đã tiến hành xét nghiệm nguồn nước, đất và các mẫu vật trong làng. Kết quả cho thấy tất cả đều không độc hại và không có dấu hiệu bị ô nhiễm.

Hai anh em Shoaib và Abdul sau đó được mời đến thủ đô Islamabad để phân tích và chẩn đoán thêm. Ban đầu, các chuyên gia trong Học viện Y khoa suy đoán rằng hai anh em Shoaib và Abdul có thể mắc hội chứng Monchosen’s, một chứng bệnh tâm thần giả vờ bị ốm. Tuy nhiên nhận định này sau đó đã được bác bỏ.

Tiến sĩ Akram đã cho tiến hành phân tích so sánh gen của hai anh em. Các bác sĩ đã trích xuất gen của những người thân ở thế hệ trước và so sánh thì nhận thấy Shoaib và Abdul có dấu hiệu đột biến.

Điều đặc biệt là căn bệnh kỳ lạ này chỉ xảy ra với hai cậu con trai trong gia đình, còn chị và em gái của hai anh em đều bình thường.

Tại Học viện Y khoa, Shoaib và Abdul đã tiến hành hàng loạt cuộc kiểm tra các chỉ số khác nhau như máu, nước tiểu, chụp X-quang phổi, nhịp tim, và chụp CT não... Kết quả cho thấy các chỉ số này đều bình thường.

Tất cả các cuộc kiểm tra và phân tích đã hoàn tất và Tiến sĩ Akram đã đưa ra giả thuyết của riêng mình để giải thích hiện tượng "con trai của Mặt trời " này: Vì không có thay đổi cấu trúc trong não, vấn đề có thể nằm ở cấp độ sinh hóa của não.

Ông giải thích, khi mức dopamine rất thấp, người ta sẽ bị yếu cơ và thậm chí không thể nói được, điều này thường xảy ra ở bệnh nhân Parkinson.

Tiến sĩ Akram tin rằng hai anh em Shoaib và Abdul có khả năng bị rối loạn hệ thống dopaminergic khiến mức dopamine giảm xuống nhanh chóng.

ĐIỀU KỲ DIỆU ĐÃ XẢY RA

Sau khi Mặt trời lặn, hai anh em Shoaib và Abdul được dùng thuốc dopamine l-DOPA, một loại thuốc điều chỉnh sự cân bằng của dopamine trong não, và là một trong những loại thuốc dùng để điều trị bệnh Parkinson.

Nhờ phương pháp của Tiến sĩ Akram, hai anh em bước đầu đã có những bước tiến triển. Lần đầu tiên trong cuộc đời, Shoaib và Abdul được chứng kiến cảnh ban đêm và sinh hoạt như những người bình thường khác.

Hai anh em đều có thể quay đầu và há miệng, Abdul thậm chí còn có thể điều khiển cơ thắt lưng và cố gắng hóp bụng. Bác sĩ Akram cũng rất vui mừng, tuy không tìm ra được nguyên nhân chính xác nhất nhưng việc điều trị đã đạt được thành tích đáng nể.

Tiến sĩ Akram cho biết, trong vài năm tới, ông sẽ dành nhiều tâm sức để tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân sâu xa của căn bệnh kỳ lạ này.

Theo Thùy Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)