Cung cấp thông tin chi tiết về cuộc trao đổi tù nhân mới nhất giữa Nga và phương Tây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận, ông Vadim Krasikov - người vừa được Đức trả tự do - là một nhân viên thuộc Alpha Group, đơn vị đặc nhiệm của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) Nga. Krasikov từng bị tòa án Đức kết tội giết người .
Ngoài ra, trong số những người được trả tự do còn có cặp vợ chồng điệp viên nằm vùng - Artem Dultsev và Anna Dultseva. Cặp đôi này bị tòa án Slovenia kết tội gián điệp. Artem và Anna Dultseva trở về Nga cùng hai con.
Ông Peskov cho biết, khi cặp đôi này bị giam giữ, họ chỉ được phép tiếp cận hạn chế với các con. "Hôm qua, hai đứa trẻ đã hỏi cha mẹ chúng rằng người đón chúng ở sân bay Mátxcơva là ai. Chúng thậm chí còn không biết Tổng thống Vladimir Putin. Trước đó, chúng không biết rằng mình là người Nga hay có liên quan đến Nga. Khi những đứa trẻ này bước xuống máy bay, chúng không nói tiếng Nga và Tổng thống Putin đã chào chúng bằng tiếng Tây Ban Nha. Ông ấy nói 'buenas noches'. Những người này đã phải hy sinh rất nhiều vì công việc của mình", ông Peskov nói.
Quyết định đón họ trên đường băng của Tổng thống Putin là "một sự ghi nhận dành cho những người phục vụ đất nước, sau những thử thách rất khó khăn, và nhờ vào sự làm việc chăm chỉ của nhiều người, đã có thể trở về Tổ quốc", ông nói.
Người phát ngôn cũng nhấn mạnh, rằng Chính phủ Nga vẫn đang nỗ lực để giải thoát những người Nga khác ở nước ngoài.
Có tổng cộng 26 người được Nga và phương Tây trao đổi hôm 1/8. Theo FSB, tám công dân Nga và hai trẻ em đã được phương Tây trả tự do, để đổi lấy những người đã "hành động vì lợi ích của các quốc gia nước ngoài, gây phương hại đến an ninh của Nga".
Mátxcơva trả tự do cho 16 người nước ngoài, trong đó có phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal , cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan, nhà báo Alsu Kurmasheva và công dân quốc tịch Anh - Nga Vladimir Kara-Murza.
Sự kiện hôm thứ Năm là cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất trong lịch sử hiện đại, chỉ sau cuộc trao đổi 25 người Mỹ lấy ba người Liên Xô và một người Ba Lan vào năm 1985.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)