Chuyện chưa kể đằng sau dự án 'Một trang bìa lay động cả thế giới' của New York Times

26/05/2020 15:56:42

Cả thế giới nói về trang bìa của tờ New York Times và những câu chuyện khiêm nhường nhưng lớn lao về cuộc đời của hàng nghìn người Mỹ đã ngã xuống vì COVID-19. Đằng sau đó là sự nỗ lực của tập thể tòa soạn báo New York Times.

Thay vì sử dụng những bài viết, bức ảnh và đồ họa thường xuất hiện trên trang bìa, vào chủ nhật vừa rồi, tờ New York Times đã đăng tải một danh sách dài, trang trọng những nạn nhân đã qua đời vì COVID-19.

Chuyện chưa kể đằng sau dự án 'Một trang bìa lay động cả thế giới' của New York Times

Khi số lượng người chết vì COVID-19 tại Mỹ đã đạt tới con số gần 100,000 người, biên tập viên của tờ New York Times đã chuẩn bị để tưởng niệm dấu mốc đầy đau đớn với nước Mỹ.

Simone Landon, trợ lý biên tập của ban đồ họa muốn thể hiện con số theo cách thức đặc biệt, vừa có thể truyền tải được mức độ khủng khiếp của đại dịch cũng như câu chuyện của các nạn nhân từ khắp nước Mỹ với vô vàn câu chuyện khác nhau.

Tại tòa soạn của tờ New York Times, không khí khẩn trương, dồn dập để đưa tin COVID-19 đã lan tỏa từ vài tháng nay. Nhưng giữa những sự bận rộn đó, Landon và những người đồng nghiệp của mình nhận ra rằng “trong lòng chính các nhà báo hay cả công chúng nói chung, họ vẫn chưa thực sự thấm thía nỗi mất mát khi nhìn vào những con số”.

“Chúng tôi biết rằng mình đang sắp chạm tới một mốc mới của đại dịch”, Simone chia sẻ. “Chúng tôi biết rằng sẽ có cần có một cách gì đó ý nghĩa hơn để phơi bày con số khủng khiếp này”.

Ban đầu, tờ New York Times có ý định biểu hiện số người chết bằng việc đặt 100,000 dấu chấm hoặc hình que trên một mặt giấy. Tuy nhiên, việc đó “không thực sự giúp kể câu chuyện của các nạn nhân, cuộc sống họ đã đi qua, điều gì có ý nghĩa với chúng ta khi cùng chung một đất nước”, Simone nhớ lại. Vì thế, cô đã nảy ra ý tưởng thu thập những bài điếu văn, thông báo về cái chết của các nạn nhân COVID-19 từ hàng trăm các tờ báo lớn nhỏ trên cả nước rồi biên tập lại thành những đoạn văn hàm súc, ngắn gọn để mô tả về cuộc đời từng người.

Alain Delaquérière - một nhà nghiên cứu, đã thu thập hàng nghìn nguồn thông tin trực tuyến về thông báo tử của các nạn nhân liên quan tới COVID-19 cũng như nguyên nhân dẫn đến cái chết. Anh tập hợp lại thành một danh sách với khoảng gần 1000 cái tên từ hàng trăm tờ báo. Sau đó, một nhóm các biên tập viên từ nhiều phòng ban, dưới sự hỗ trợ của ba phóng viên mới tốt nghiệp, sẽ đọc và lựa chọn những cụm từ, câu giới thiệu ngắn gọn miêu tả cuộc đời họ một cách nổi bật, tường minh nhất:

“Alan Lund, 81 tuổi, Washington, người nhạc trưởng với đôi tai tuyệt vời nhất…”

“Theresa Elloie, 63 tuổi, New Orleans, người phụ nữ nổi tiếng khi mở một công ty chuyên sản xuất những bông hoa cài đầy tỉ mẩn…”

“Florencio Almazo Morán, 65 tuổi, thành phố New York, một quân nhân…”

“Coby Adolph, 44 tuổi, thành phố Chicago, một doanh nhân với tinh thần ưa mạo hiểm…”

Landon ví kết quả của công việc như một “tấm thảm kỳ công” mà một mình cô không thể dệt được thành công. Clinton Cargill, trợ lý biên tập của ban Tin trong nước chính là người đã đồng hành cùng Landon với khối lượng công việc đồ sộ này. Những thành viên khác của dự án bao gồm Matt Ruby, phó ban biên tập của mảng Thiết kế tin Công nghệ; Annie Daniel, kỹ sư phần mềm; các biên tập viên đồ họa Jonathan Huang, Richard Harris và Lazaro Gamio. Andrew Sondern, giám đốc nghệ thuật, là người chỉ đạo việc thiết kế bản in.

Marc Lacey, biên tập viên mảng Tin trong nước, đã cảnh báo Tom Bodkin, giám đốc sáng tạo của tờ The New York Times rằng cột mốc 100,000 đang đến rất gần. “Tôi muốn một thứ gì đó để mọi người có thể nhìn lại sau 100 năm nữa và hiểu được nỗi đau và sự mất mát lớn lao mà chúng ta đã phải hứng chịu”, Lacy nói.

Với trang đầu của tờ báo, hai ý tưởng đã được đề xuất: hoặc là ghép ảnh của hàng trăm nạn nhân đã qua đời vì COVID, hoặc theo ý tưởng “toàn chữ’, Bodkin kể lại. Dù là cách tiếp cận nào được chọn, “chúng tôi muốn nó ken dày cả trang”, Bodkin nói.

Cuối cùng, ý tưởng trang bìa toàn chữ đã được chọn.

Thiết kế này lấy ý tưởng từ những trang báo hàng trăm năm tuổi được ông Bodkin rất tâm đắc.

“Nó chỉ là một đoạn chữ chạy dài cả trang mà không có các tiêu đề phụ”, ông Bodkin giải thích thêm, đây chính là phong cách của các tờ báo vào khoảng giữa những năm 1800s.

Với kênh báo mạng, độc giả có thể cuộn để đọc tên, những đoạn miêu tả hàm súc và một bài phân tích của Dan Barry, phóng viên tờ New York Times. Con số “100,000” cứ xuất hiện trở đi trở lại.

Giám đốc sáng tạo Bodkin nói rằng ông không nhớ có tồn tại trang bìa nào không có hình ảnh trên tờ New York Times trong suốt 40 năm ông làm việc hay không, “mặc dù có một vài trang sẽ chỉ có toàn hình ảnh”, ông nói “nhưng đây chắc chắn là lần đầu tiên tôi thấy một trang bìa như vậy trong thời đại của báo chí hiện đại”.

Lật mở tờ báo ra, người đọc sẽ thấy danh sách tiếp tục xuất hiện. Tuy nhiên, chủ yếu là những cái tên. Càng nhiều tên xuất hiện, nỗi mất mát của cả nước Mỹ càng lớn.

Theo Minh Đức (Tổ Quốc)