Dịch bệnh do chủng mới của coronavirus đã khiến hơn 24.300 người bị nhiễm và 492 người tử vong trên toàn Thế giới, nhưng hiện tại virus gây bệnh vẫn chưa có tên chính thức.
Các phương tiện truyền thông thường nhắc đến virus này với tên gọi coronavirus, tuy vậy đây là tên một gia đình virus, không phải tên của chủng virus mới.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề xuất đặt tên tạm thời cho chủng virus mới là 2019-nCoV. Tên này bao gồm năm phát hiện, chữ cái n để biểu thị đây là chủng virus mới, và CoV là viết tắt của coronavirus. Tuy vậy, đây không phải là tên dễ nhớ, theo BBC.
"Tên hiện nay không dễ nhớ, dễ dùng, và các phương tiện truyền thông cũng như người dân thường sử dụng tên khác khi nói về chủng virus này," phó giáo sư Crystal Watson thuộc Trung tâm Y tế Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ cho biết.
"Nguy cơ lớn khi không có tên gọi chính thức là người dân sẽ sử dụng những cái tên như virus Trung Quốc, và điều này dẫn tới phân biệt đối xử với những nhóm người nhất định," giáo sư Watson giải thích.
Trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay, những cái tên không chính thức được lan truyền rất nhanh và sẽ rất khó thay đổi định kiến của người dân, bà Watson nói thêm.
Công việc nghiên cứu, đặt tên cho virus mới được các nhà khoa học thuộc Ủy ban Quốc tế về phân loại virus (ICTV) đảm nhận.
ICTV cho biết họ cần thời gian cân nhắc trước khi quyết định chọn tên chính thức, do trước đây đã có nhiều tiền lệ xấu. Virus H1N1 gây dịch bệnh vào năm 2009 thường được gọi là "cúm lợn", dẫn tới việc nhà chức trách Ai Cập tiêu hủy lợn trên quy mô lớn, dù virus lân lan từ người qua người.
"Chúng tôi đã ghi nhận nhiều tên dịch bệnh gây ra tình trạng phân biệt đối xử với một nhóm người, gây ra cản trở không đáng có cho việc đi lại, thương mại và buôn bán và tạo nên những vụ tiêu hủy động vật không cần thiết," ICTV nói trong một thông báo.
Theo quy định của ICTV, tên một dịch bệnh không được kèm theo địa danh, tên người, tên loài động vật hoặc món ăn và không được nhắc tới bất kỳ nền văn hóa hay công nghiệp nào. Ủy ban này nói tên dịch bệnh cần ngắn gọn và có tính miêu tả, chẳng hạn SARS (Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng).
Tuy vậy, tên chính thức cũng cần dễ nhớ, để người dân và các phương tiện truyền thông có thể sử dụng rộng rãi, theo giáo sư Benjamin Neuman, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu đặt tên chủng virus mới.
Nhóm nghiên cứu đã thảo luận về việc đặt tên chủng virus mới trong hai tuần, và sau hai ngày đã thống nhất một cái tên mới, giáo sư Neuma cho biết. Họ đã gửi tên mới tới một tuần san khoa học, và hy vọng trong những ngày tới sẽ có thể công bố.
ICTV hy vọng việc đặt tên chính thức sẽ giúp người dân hiểu nhiều hơn về dịch bệnh, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu tập trung hơn vào công tác phòng, chống virus.
"Trong tương lai chúng tôi sẽ đánh giá xem lựa chọn tên gọi có đúng đắn không. Với bản thân tôi, góp phần đặt tên một virus quan trọng có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng lâu dài hơn so với cả sự nghiệp nghiên cứu. Đây là trách nhiệm lớn lao," ông Neuman nói.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)