Những đứa trẻ được ví như món quà kỳ diệu, vô cùng đáng yêu mà ông trời ban cho các ông bố, bà mẹ. Nhưng yêu con thế nào cũng không thể ở nhà trông con cả ngày vì còn phải đi làm kiếm ăn. Đó hẳn là một vấn đề đối với các bậc cha mẹ bận rộn không chỉ ở thời nay mà từ hàng vài thế kỷ trước.
Những đứa trẻ quý giá vô cùng nhưng nhỏ bé, mong manh, yếu ớt và có khả năng gây ra những mới rắc rối không thể lường trước được. Tất nhiên, chúng hoàn toàn không phù hợp với môi trường làm việc và công việc của người lớn. Thời nào cũng thế, không thể đưa con đi làm cùng được.
Vì vậy, mục tiêu trọng tâm của việc chăm sóc trẻ em từ lâu đã là "đảm bảo sự an toàn". Những hình ảnh dưới đây sẽ cho bạn "mở rộng tầm mắt" về cách trẻ em được trông giữ thời xưa. Tất nhiên, những bức ảnh không đại diện cho tất cả nhưng cũng khiến người xem phải ngỡ ngàng...
Những em bé trong thúng, thế kỷ 14
Theo trang The Baby Historian, quan điểm của nền y học trước thế kỷ 17 cho rằng trẻ sơ sinh được ví "như một chiếc bánh quy" dễ tổn thương về mặt cơ thể nên cần tránh việc xử lý để chúng không bị... biến dạng.
Tay chân của chúng thường bị trối và được quấn tã. Đôi khi, chúng còn được gắn vào một tấm bảng thẳng đứng để giữ "hình dáng đẹp", đặc biệt là khi di chuyển. Bức tranh vẽ này chính là ví dụ về cách trẻ em thế kỷ 14 được bố mẹ "che chở".
Cô gái tí hon trong nhà máy
Có vẻ đây là một ví dụ sớm của kiểu "đưa con đi làm cùng" mà ngày nay nhiều bậc phụ huynh phải áp dụng mỗi lúc con được nghỉ học mà cha mẹ không được nghỉ làm.
"Vườn ươm" trong nhà máy năm 1918
Đây là một giải pháp sáng suốt hơn dành cho các bậc cha mẹ đang đi làm: "Vườn ươm" trong nhà máy. Hay nói một cách dễ hiểu hơn là nhà trẻ tại công ty mà ngày nay được các doanh nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới chú trọng đầu tư để giúp nhân viên yên tâm trong khoản chăm sóc con cái.
Năm 1917, thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, cứ 3 công việc ở Pháp thì có một công việc do phụ nữ đảm nhận. Thế rồi, một làn sóng đình công đòi hỏi mức lương tại nhà máy cao hơn đồng thời phải có nhà trẻ ở nơi làm việc. Chính phủ, vì mong muốn đạn dược tiếp tục được cung cấp và nền kinh tế tiếp tục phát triển, đã chấp thuận.
Hình ảnh cho thấy những đứa trẻ dường như được đặt nằm võng trong nhà trẻ ngay tại nơi làm việc của cha mẹ chúng.
Những đứa trẻ trên dây phơi năm 1925
Do thiếu thông tin đi kèm với hình ảnh này - ngoài việc nó được chụp ở Anh - người ta nghi ngờ đây là một mánh lới quảng cáo dễ thương chứ không phải là một phương pháp chăm sóc trẻ em nghiêm túc.
Tuy nhiên, có có bằng chứng về việc treo trẻ sơ sinh một cách an toàn trên móc, cây hoặc những điểm thuận tiện khác.
Những đứa trẻ trong túi ngủ năm 1930
Hãy xem vẻ mặt của cô trông trẻ trong bức ảnh này vui mừng thế nào với những chiếc túi được buộc chắc chắn cho bọn trẻ. Chúng an toàn, ấm áp và không thể nghịch ngợm. Hình ảnh chụp những đứa trẻ trong một nhà trẻ ở Moscow, Nga vào những năm 1930.
Lồng sắt cho trẻ năm 1937
Năm 1884, Luther Emmett Holt - một bác sĩ nhi khoa tại Mỹ đã xuất bản cuốn sách dạy chăm sóc trẻ nhỏ mang tên The Care And Feeding Of Children. Trong đó, ông đã nêu ra tầm quan trọng của việc cho trẻ em được tiếp xúc với không khí ngoài trời. Cũng chính vì nhận định này, thế kỷ 20 đã chứng kiến sự ra đời của một trong những phát minh lạ đời nhất: lồng sắt dành cho trẻ em.
Đúng như tên gọi, chúng là những chiếc lồng từ lưới sắt và được thiết kế vắt vẻo ngay bên ngoài cửa sổ của căn nhà. Phát minh này ra đời tại Mỹ vào năm 1922 nhưng đến khoảng năm 1930, những chiếc lồng này lại trở thành xu hướng nở rộ được rất nhiều hộ gia đình yêu thích áp dụng tại London rồi lan khắp nước Anh.
Lồng em bé năm 1949
Không rõ tên gọi của món đồ này là gì nhưng có vẻ chúng được thiết kế để giữ chân những đứa trẻ trong lúc các bà mẹ hoàn thành công việc nội trợ trong gia đình. Nhìn vẻ mặt của cậu bé trong ảnh thì có vẻ như chiếc lồng này không thoải mái lắm.
Xe tay ga có ghế trẻ em năm 1963
Bức ảnh thập niên 1960 này chụp bà mẹ tên Anita White ở Teddington, Tây Nam London, và con gái của cô ấy, cũng là Anita, khiến người xem "thót tim". Cô bé Anita có vẻ ung dung ngồi trên xe nhưng không được bảo vệ bằng bất cứ thứ gì. Ai mà tưởng tượng được sẽ ra sao khi cô bé vô thức đứng lên lúc mẹ đang chạy xe.
Theo Minh Nhật (Phụ nữ Thủ đô)