Chủ ý của Tổng thống Putin từ 'những điều lạ' trong Thông điệp liên bang 2019

27/02/2019 21:11:12

Năm nay, ông Putin dành hẳn 75 phút trong tổng cộng 87 phút của thời lượng trình bày để đề cập về chính sách đối nội.

Chủ ý của Tổng thống Putin từ 'những điều lạ' trong Thông điệp liên bang 2019
Ảnh minh họa: Carlos Coelho

Thông điệp lần thứ 15

Thông điệp thường niên năm nay của Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình đất nước không được dư luận chung bên ngoài nước Nga chờ đợi và đón nhận với mức độ quan tâm như 14 lần trước đó.

Ông Putin đã quá thành thạo với kiểu cách thể hiện quan điểm thái độ và đường lối chính sách như thế này. Dư luận cũng đâu còn lạ lẫm gì cách tư duy và định hướng nội dung chính sách đối nội cũng như đối ngoại của ông Putin sau 15 năm ông Putin làm Tổng thống nước Nga và 4 năm làm Thủ tướng chính phủ đất nước này.

Tuy nhiên, nó vẫn thú vị và gây hiếu kỳ đối với bên ngoài cũng như được dân chúng và dư luận ở Nga đặc biệt coi trọng bởi đó là thông điệp đầu tiên của ông Putin về tình hình đất nước sau khi ông Putin nhậm chức Tổng thống Nga lần thứ tư và sau lần đầu tiên mức độ tín nhiệm của ông Putin trong dân chúng bị giảm sút (thể hiện qua kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở Nga).

Trong những cuộc thăm dò dư luận như thế, người dân Nga không hẳn không đồng tình và hài lòng với những chính sách đối ngoại và an ninh của ông Putin nhưng muốn ông Putin và cộng sự trong chính quyền để tâm nhiều hơn tới chuyện phát triển kinh tế xã hội và cải thiện điều kiện sống cho người dân.

Xem ra, rất có thể chính vì thế mà thông điệp năm nay của ông Putin có nhiều khác biệt so với những lần trước.

Những khác biệt

Thứ nhất, ông Putin trong đó chủ ý thể hiện tập trung chính vào đối nội và coi đối ngoại, chính trị thế giới chỉ là chuyện phụ. Năm nay, ông Putin dành hẳn 75 phút trong tổng cộng 87 phút của thời lượng trình bày để đề cập về chính sách đối nội. Hàm ý rõ ràng của ông Putin là "đã nắm bắt và hiểu được thông điệp của người dân". 

Ở đó cũng cho thấy ông Putin ý thức được rằng lần này dùng đối ngoại phục vụ đối nội không thể có được hiệu quả thiết thực cao, nếu như không muốn nói là còn có thể bị phản tác dụng.

Chủ ý của Tổng thống Putin từ 'những điều lạ' trong Thông điệp liên bang 2019 - 1
Tổng thống Nga Putin đọc thông điệp liên bang 2019. Ảnh: AP

Thứ hai, khi đề cập về những chuyện chính trị nội bộ, kinh tế và xã hội, ông Putin trình bày rất cụ thể chứ không chung chung, đề cập đầy đủ tất cả các lĩnh vực chứ không né tránh, trút đổ trách nhiệm cho chính quyền về những yếu kém, bất cập và không kết quả nhiều hơn là đổ lỗi cho khách quan.

Những biện pháp chính sách mà ông Putin cam kết, những chương trình và kế hoạch được ông Putin đề ra cho phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội đều không to tát mà rất thức thời, không nhằm xa vời mà cho trước mắt, ít định tính mà thiên về định lượng. Người dân Nga muốn nghe như thế và ông Putin đáp ứng tâm lý ấy, nhằm vào tâm trạng ấy.

Thứ ba, đối ngoại trong trình bày của ông Putin chỉ chiếm vị trí phụ và trong đó ông Putin tập trung chính vào Mỹ. Trong khi tất cả những nội dung khác về đối ngoại và an ninh chỉ là nhắc lại những quan điểm chính sách lâu nay của Nga thì phần về Mỹ lại có vẻ gay gắt và quyết liệt hơn.

Ông Putin dùng việc thể hiện quan điểm thái độ cứng rắn với Mỹ để đáp trả những động thái của Mỹ trong thời gian vừa qua nhằm vào Nga và để răn đe tất cả những đồng minh quân sự cũng như đối tác chiến lược của Mỹ.

Xem ra, chủ ý của ông Putin với việc công khai tỏ ra không coi trọng nhiều đối ngoại trong thông điệp năm nay cũng nhằm để tranh thủ lòng dân ở trong nước. 

Ông Putin tạo cảm nhận bên ngoài không thể gây ra thách thức đáng kể gì nữa đối với an ninh, chủ quyền lãnh thổ và tương lai của nước Nga cũng như nước Nga trong thời gian tới tiếp tục những quyết sách về chính trị đối ngoại an ninh đã được định hướng và triển khai thực hiện lâu nay.

Mỹ không thể ngăn cản được Nga và các đối tác khác lại càng không thể. Nước Nga trong thời gian tới sẽ không có biến động nhiều và thay đổi lớn về đối ngoại.

Bài trình bày năm nay của ông Putin cũng vì thế mà đậm đặc tông độ của mục đích trấn an và kêu gọi.

Ông Putin đề cập đến những cuộc cải cách cấp thiết về kinh tế và xã hội, về hành chính và tư pháp, để cập đến sự cần thiết phải nhanh chóng cải thiện tình hình trên mọi phương diện ở nước Nga. Quyết tâm chính trị và ý tưởng giải pháp đều thấy có nhưng tính khả thi về tài chính thì lại thấy chưa được thật sự thuyết phục.

Bởi thế, người Nga dẫu có yên tâm hơn vẫn phải chờ đợi xem ông Putin và cộng sự thực hiện cụ thể những cam kết mới như thế nào. Nhận thức đã có nhưng hành động thì còn phải chờ thêm.

Theo Đại sứ Trần Đức Mậu (Soha/Trí Thức Trẻ)