Theo tin của Reuters ngày 30/11, ngoài CNOOC, 3 công ty Trung Quốc khác sắp bị chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa vào danh sách đen, gồm: Công ty TNHH Công nghệ xây dựng Trung Quốc, Công ty Tư vấn kỹ thuật quốc tế Trung Quốc, và Công ty Sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC).
CNOOC cho biết chưa nhận được bất kỳ thông báo hay quyết định chính thức nào từ chính phủ Mỹ.
CNOOC thuộc nhóm 3 tập đoàn dầu khí nhà nước lớn nhất Trung Quốc, cùng với Tập đoàn xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec).
“Tôi đoán CNOOC bị nhắm đến, mà không phải CNPC hay Sinopec, vì hoạt động của họ trên biển Đông bị Mỹ coi là hành động quân sự”, Lin Boqiang, giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách năng lượng Trung Quốc tại ĐH Hạ Môn, nói với Bloomberg.
Nếu thông tin của Reuters đúng, giới quan sát cho rằng Tổng thống Trump sẽ khiến chính quyền kế nhiệm của ông Joe Biden khó xuống thang với Trung Quốc, nhưng cũng sẽ giúp Mỹ có vị thế cao hơn nếu ngồi vào bàn đàm phán với Bắc Kinh trong tương lai.
“Các nhà đầu tư lo ngại khả năng có thêm những công ty khác của Trung Quốc bị đưa vào danh sách trước khi quá trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ hoàn tất”, Stanley Chan, giám đốc nghiên cứu tại hãng chứng khoán Emperor Securities, nói với SCMP.
Trong một sắc lệnh ký đầu tháng này, Mỹ nói rằng Trung Quốc “ngày càng lợi dụng” vốn của Mỹ để “phát triển và hiện đại hóa lực lượng quân đội, tình báo và an ninh”, tạo ra mối đe dọa với Mỹ. Sắc lệnh này cấm các công ty đầu tư và quỹ hưu trí của Mỹ mua bán cổ phiếu của 31 công ty Trung Quốc bị Lầu Năm góc xác định là có quan hệ với quân đội.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua nói rằng nước này phản đối chính trị hóa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tạo ra môi trường cởi mở, công bằng và không phân biệt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn ở Mỹ, thay vì mở rộng khái niệm an ninh quốc gia và áp trừng phạt hay các biện pháp phân biệt đối với các công ty Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.
Hoạt động quốc tế có thể tê liệt
“Thiệt hại lớn nhất sẽ là hạn chế tiếp cận hệ thống tài chính sử dụng đồng đô la Mỹ, hoặc hạn chế làm việc với các công ty hay cá nhân Mỹ. Điều đó sẽ làm tê liệt các hoạt động quốc tế của CNOOC”, Neil Beveridge, nhà phân tích cấp cao tại hãng nghiên cứu Sanford C. Bernstein, nói với SCMP.
Giá cổ phiếu của CNOOC hôm qua giảm 14%, mức sụt giảm lớn nhất theo ngày kể từ 9/3, thời điểm giá dầu thế giới lần đầu tiên xuống dưới 0 USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu khoảng 16% cổ phần của tập đoàn này.
Nếu Mỹ trừng phạt thêm 4 công ty, số công ty nhà nước Trung Quốc bị Washington đưa vào danh sách đen sẽ tăng lên 35. Các biện pháp trừng phạt mới có thể gồm yêu cầu những quỹ hưu trí của Mỹ thoái vốn khỏi CNOOC; hạn chế hợp tác với Mỹ và các công ty quốc tế, và hạn chế tiếp cận hệ thống tài chính sử dụng đồng đô la Mỹ, ông Beveridge nói.
Trong hai thập kỷ qua, CNOOC mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Hoạt động ở các nước khác chiếm 1/3 tổng sản lượng của tập đoàn này trong nửa đầu năm nay, bao gồm các dự án ở vịnh Mexico và Guyana, nơi CNOOC đang liên doanh với ExxonMobil. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn có các dự án ở Úc và Anh.
Nhưng nơi hoạt động chính của CNOOC là các vùng biển gần Trung Quốc, với hơn 60% sản lượng.
Năm 2012, CNOOC ngang nhiên công bố mời thầu quốc tế thăm dò, khai thác tại 9 lô dầu khí trên biển Đông nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Đây là khu vực hoàn toàn không có tranh chấp. Ngày 2/5/2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý về phía Đông, nơi hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)