Chống 'thiên đường thuế', cuộc chiến không có hồi kết

28/11/2017 16:17:00

Ai cũng thấy cần chống lại các chiêu thức né thuế, trốn thuế bằng cách dựa vào những nơi cho phép giảm thuế kiểu biệt đãi. Nhưng ngăn chặn việc đó không hề dễ dàng. Ví dụ từ Liên minh châu Âu.

Chống 'thiên đường thuế', cuộc chiến không có hồi kết
Các nhà hoạt động dựng cảnh chống nạn trốn thuế trước hội nghị quốc tế tổ chức tại London (Anh)

Tháng 4-2016 cả thế giới đã bị sốc khi hồ sơ "Panama Papers" với 11,5 triệu tài liệu về các cá nhân, tổ chức tránh né thuế bị Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế - International Consortium of Investigative Journalists (ICIJ) phanh phui. Đầu tháng 11-2017 dư luận thế giới lại chấn động khi bộ hồ sơ được gọi là "Paradise Papers" - Hồ sơ Thiên đường, với 13,4 triệu tài liệu bị rò rỉ từ công ty luật quốc tế Appleby, có trụ sở chính đặt tại quốc đảo Bermuda.

Chuyện một tập đoàn hay cá nhân có thu nhập cao tìm cách để nộp thuế càng ít càng tốt bằng cách chuyển lợi nhuận đến các quốc gia hay vùng lãnh thổ có mức thuế thấp hoặc không phải chịu thuế, thường được gọi là các "Thiên đường thuế", vốn không phải là điều gì mới lạ. Tuy nhiên quy mô của mạng lưới né thuế bị tiết lộ trong hai bộ hồ sơ trên đã buộc Liên minh châu Âu (EU) phải tỏ thái độ kiên quyết.

Sau khi Hồ sơ Thiên đường bị tiết lộ, EU đã yêu cầu các nước trong khối nhanh chóng đạt thỏa thuận về một danh sách "đáng tin cậy" của các "thiên đường thuế" để công bố vào ngày 5-12 tới. Những quốc gia hay vùng lãnh thổ bị nêu tên trong bản "Danh sách tháng 12" có thể bị xử phạt nếu không hợp tác trong việc minh bạch các hồ sơ thuế.

Ủy viên Tài chính EU, Pierre Moscovici, nói rằng đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc triệt hạ những kế họach né thuế của các ngân hàng, luật sư và hãng luật cần phải được nghiêm túc thực hiện. Ông cũng khẳng định danh sách mà EU công bố sẽ chi tiết hơn danh sách của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mà cho tới nay chỉ nêu mỗi Trinidad và Tobago!

Có danh sách đen cũng bế tắc 

Tháng 11-2016, EC đã giao cho Tổ Quy tắc cư xử (CCG), thành lập từ năm 1990, lập bản "Danh sách đen". CCG đã xác định được 81 quốc gia và tổ chức có phương tiện tạo điều kiện ưu đãi về thuế.

Sang tháng 2-2017, CCG đã gửi công văn đến 92 địa chỉ, yêu cầu cung cấp thông tin chậm nhất  là trước cuối tháng 11 để CCG kiểm tra xem họ có tuân thủ các quy tắc về thuế của EU hay không. 

Theo báo Financial Times, hiện con số này giảm xuống còn 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên việc công bố bản danh sách cuối cùng sẽ không dễ dàng vì trong nội bộ EU cũng có một số nước dùng các chính sách ưu đãi về thuế để thu hút vốn đầu tư dưới những hình thức hợp pháp.

Thí dụ như tại Malta thì một cơ sở do nước ngoài đầu tư mà có thu nhập 5 triệu euro mỗi năm chỉ bị đánh thuế ở mức 15%. Nếu thu nhập vượt mức này thì phần cao hơn được miễn thuế.

Vấn đề là tới nay EU vẫn chưa có một thuế suất thu nhập doanh nghiệp tối thiểu áp dụng chung cho cả khối, cho dù đã có chung thuế suất thuốc lá và VAT tối thiểu, do bị một số quốc gia như Malta phản đối. 

Điều đó đã tạo kẽ hở trong cách tính thuế, dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về thuế cũng như thất thu thuế tại nhiều quốc gia.

Chống 'thiên đường thuế', cuộc chiến không có hồi kết - 1
Các nhà hoạt động chỉ đạt mức đánh động dư luận là chính. Các chính sách cụ thể luôn gặp phản kháng từ các quốc gia có lợi ích riêng

Hiện tại, mỗi quốc gia châu Âu đều có danh sách các tổ chức bị coi là ít hợp tác về vấn đề thuế. Tuy nhiên các tiêu chí xác định thế nào là "thiên đường thuế" của các nước lại rất khác nhau.

Năm 2015, EU cũng đã công bố một bản "Danh sách đen" nhưng không có tên những "Thiên đường thuế" doanh nghiệp như Hà Lan, Luxembourg, Ireland, Malta và Anh vì nhiều lý do. 

Nghị sĩ châu Âu Sven Giegold thuộc đảng Xanh của Đức, từng gọi Liên hiệp Anh với các đảo như Jersey, Guernsey, đảo Man và các vùng lãnh thổ tại nước ngoài là một trong những điểm né thuế lớn nhất thế giới, thí dụ như các đảo vùng Carribean có thuế suất doanh nghiệp là 0.

Vấn đề hiện nay là sau khi "Bản danh sách tháng 12" được công bố thì Brussels sẽ áp dụng những hình thức chế tài như thế nào.

Nhiều nước EU muốn có các biện pháp mạnh nhưng Luxembourg và Malta cho rằng điều này không cần thiết vì chuyện các nhà đầu tư chuyển tiền vào những thiên đường thuế nổi tiếng sẽ bị ngăn trở. 

Trên lý thuyết thì các hiệp định quốc tế cũng sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng các công ty chuyển lợi nhuận từ nước này sang nước khác nhằm được trả thuế suất thấp nhất có thể. 

Cách phổ biến nhất trong số các công ty đa quốc gia là tính phí quản lý và phí thương hiệu giữa các công ty con. Apple đã thông qua 3 công ty con tại Ireland để trả thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp do các công ty Ireland được hưởng sự ưu đãi về thuế khi mua sắm tài sản vô hình - chủ yếu là sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế.

Chống 'thiên đường thuế', cuộc chiến không có hồi kết - 2
Người biểu tình kêu gọi ký tên kiến nghị tập thể đòi tập đoàn Apple phải đóng thuế nghiêm túc

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, thì đề xuất EU xem xét tạm ngừng cấp vốn cho các những "thiên đường thuế" cùng cắt giảm sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoặc Ngân hàng Thế giới đối với các quốc gia không cung cấp các thông tin cần thiết về thuế. Tuy nhiên đề xuất này của Le Maire không được nhiều nước ủng hộ vì rất khó thuyết phục các tổ chức quốc tế.  

Chống "thiên đường thuế": nói dễ - làm khó!

Trong năm 2016, Brussels đã đưa ra nhiều đề xuất để chống lại tình trạng né thuế của các nước trong khối, thí dụ như thành lập các cơ quan đăng ký công khai để lộ diện chủ sở hữu thực sự của các công ty được che chắn bởi những công ty "vỏ bọc" ở nước ngoài, buộc các tập đoàn đa quốc gia lớn phải báo cáo về lợi nhuận thu được và các khoản thuế phải trả tại những nơi họ hoạt động… 

Để tránh việc một số nước không hợp tác, Brussels cũng đề xuất là các nước không tính thuế doanh nghiệp sẽ không bị tự động coi là có khả năng vi phạm các quy chế về thuế của EU, nhưng sẽ bị kiểm tra nếu tạo thuận lợi cho việc tạo ra các công ty vỏ bọc và các hình thức khác có thể giúp tránh né thuế.

Tuy nhiên EU chỉ có thể đưa ra quyết định nếu như được 27 quốc gia thành viên với những lợi ích kinh tế khác nhau nhất trí thông qua. Thủ tướng Xavier Bettel của Luxembourg từng phủ nhận công quốc này là một "thiên đường thuế". Vào tháng 6 năm nay, ông Bettel từng phát biểu trên báo EUobserver rằng chính sách thuế là "một vấn đề quốc gia", và "Tại sao tôi phải bớt cạnh tranh đi?".

Nói như Pierre Moscovici thì Hồ sơ Thiên đường cho thấy "một số công ty và cá nhân giàu có sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tránh nộp thuế". Không chỉ các tập đoàn mà nhiều công dân EU nổi tiếng vẫn tìm cách để đóng thuế ít qua những hình thức được coi như hợp pháp. 

Nên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người xem đây là cuộc chiến không có hồi kết!

Theo Quế Viên (Tuổi Trẻ)

Nổi bật