Mỹ tỏ thái độ mạnh về Hồng Kông
Bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" của chính phủ Mỹ về dự thảo lập pháp tại Hồng Kông, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus không kêu gọi chính quyền Hồng Kông đảo ngược hoàn toàn chương trình này, nhưng "bất kỳ điều chỉnh nào liên quan đến Điều lệ về tội phạm bị truy nã cần phải được chú ý hết sức thận trọng".
"Cuộc tuần hành hòa bình của hàng trăm nghìn người Hồng Kông ngày hôm qua (9/6) rõ ràng là thể hiện sự phản đối của công chúng [Hồng Kông] đối với đề xuất sửa đổi," Ortagus nói.
Ngoài cuộc diễu hành ở Hồng Kông - mà những người khởi xướng khẳng định là thu hút hơn 1 triệu người tham gia, các sự kiện tương tự cũng xuất hiện ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như New York, Vancouver, Melbourne hay Tokyo.
Được cho là thể hiện thái độ mạnh mẽ của Mỹ, bà Ortagus nói Washington chia sẻ quan ngại của nhiều người Hồng Kông rằng "việc khuyết thiếu biện pháp bảo vệ theo quy trình đối với dự thảo sửa đổi có thể làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông và tác động tiêu cực đến các biện pháp bảo vệ lâu dài về quyền con người, các quyền tự do cơ bản và các giá trị dân chủ của vùng lãnh thổ này - như đã quy định trong Luật cơ bản và Tuyên bố chung Trung Quốc-Anh".
Chính quyền tổng thống Donald Trump kêu gọi các lãnh đạo Hồng Kông tham vấn đầy đủ với "các bên liên quan rộng rãi ở bản địa và quốc tế có thể bị ảnh hưởng bởi điều lệ sửa đổi này".
Hàng trăm nghìn người biểu tình xuống đường ở Hong Kong |
Trước đó, Trưởng đặc khu Hồng Kông bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định chính quyền sẽ tiếp tục lộ trình đề xuất và thảo luận dự luật về cho phép dẫn độ tội phạm bị truy nã đến bất kỳ khu vực tài phán nào mà đặc khu chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục.
Bà Lâm cho rằng trì hoãn chương trình lập pháp này sẽ chỉ dẫn đến "thêm nhiều lo lắng và chia rẽ trong xã hội".
Trung Quốc phản ứng gay gắt
Đáp trả tuyên bố của Bộ ngoại giao Mỹ, Văn phòng Ủy viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông, thúc giục Washington ngừng đưa ra những phát ngôn sai trái liên quan đến đề xuất sửa đổi Điều lệ Tương trợ pháp lý về tội phạm bị truy nã và các sự vụ hình sự.
"Chúng tôi lấy làm tiếc và phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bất chấp luật pháp quốc tế cùng các chuẩn mực cơ bản trong quản lý quan hệ quốc tế và can thiệp vào công việc của Hồng Kông - vốn là công việc nội bộ của Trung Quốc," Văn phòng trên cho hay.
Bắc Kinh khẳng định chính phủ Trung Quốc "ủng hộ tuyệt đối" dự luật kể trên và đáp trả lại các chỉ trích. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 10/6 nói, "Chúng tôi hoàn toàn phản đối những phát ngôn và hành động sai trái bởi các thế lực nước ngoài muốn can thiệp vào vấn đề lập pháp của Đặc khu hành chính Hồng Kông".
Ông Cảnh cũng bác bỏ phát biểu của bà Morgan Ortagus rằng việc sửa đổi điều lệ về dẫn độ "có thể hủy hoại môi trường kinh doanh của Hồng Kông".
Trước câu hỏi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và nhiều nơi trên thế giới có phải là sự thể hiện ý dân đối với dự luật dẫn độ hay không, ông Cảnh Sảng đáp, "Kể từ tháng 2, chính quyền Đặc khu Hồng Kông đã ghi nhận rộng rãi ý kiến của các tầng lớp trong xã hội Hồng Kông về dự luật sửa đổi và tiến hành tới 2 lần điều chỉnh dự thảo, có sự hồi đáp tích cực đối với những kiến nghị liên quan".
"Hiện có hơn 800.000 người dân Hồng Kông đang tham gia vào hoạt động của 'Liên minh bảo vệ dự luật sửa đổi Hồng Kông', cho thấy rõ luồng ý kiến chủ chốt tại Hồng Kông ủng hộ công tác sửa đổi luật pháp của chính quyền," ông Cảnh cho hay.
Căng thẳng ngoại giao xoay quanh vấn đề Hồng Kông có thể sẽ làm xấu hơn quan hệ Mỹ-Trung Quốc, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang giữa hai nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi ban lãnh đạo Trung Quốc chưa có bất kỳ thông tin nào về việc chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp song phương tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng này nhằm tháo gỡ tình trạng đối đầu. Bên cạnh đó, vấn đề về Đài Loan và biển Đông cũng đang nằm trong nhóm chủ đề "nóng" trên bàn nghị sự hai nước.
Theo Hải Võ (Soha/Trí Thức Trẻ)