Choáng ngợp với khối tài sản khổng lồ của Quốc vương Thái Lan - ông hoàng giàu nhất thế giới

04/10/2018 15:32:39

Bỏ xa Quốc vương Hassanal Bolkiah (Brunei) hay tài sản của nữ hoàng Anh Elizabeth II, người đứng đầu danh sách những ông hoàng giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn là nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn.

Choáng ngợp với khối tài sản khổng lồ của Quốc vương Thái Lan - ông hoàng giàu nhất thế giới
Vua Maha Vajiralongkorn, 65 tuổi, lên ngôi năm 2016. Ảnh: Reuters.

Maha Vajiralongkorn thừa kế một trong những gia tài lớn nhất thế giới,ước tính 30-60 tỉ USD, bao gồm nhiều bất động sản ở Bangkok.

Ông là con trai duy nhất của cố quốc vương Bhumibol Adulyadej và hoàng hậu Sirikit. Năm 1972, ở tuổi 20, ông được phong thái tử. Sau khi vua cha qua đời năm 2016, chính quyền quân sự khẳng định địa vị của ông là người kế vị làm vua Thái Lan.

Choáng ngợp với khối tài sản khổng lồ của Quốc vương Thái Lan - ông hoàng giàu nhất thế giới - 1
Nhà vua Maha Vajiralongkorn và công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn. 

Hồi tháng 6.2018, Cục Tài sản Hoàng gia (CPB) Thái Lan - nơi quản lý tài sản của Vương quốc Thái Lan, tuyên bố đã chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu tài sản cho vua Maha Vajiralongkorn, đồng nghĩa với việc lần đầu tiên mọi tài sản hoàng gia sẽ phải đóng thuế.

Choáng ngợp với khối tài sản khổng lồ của Quốc vương Thái Lan - ông hoàng giàu nhất thế giới - 2
Viên kim cương màu vàng - Jubilee Diamond.

Nhà vua Thái Lan sở hữu viên kim cương màu vàng Jubilee Diamond nặng 545 carat - viên kim cương nhiều góc cạnh lớn nhất thế giới.

Thông tin từ Reuters, Cục Tài sản Hoàng gia (CPB) Thái Lan nắm trong tay 40.000 hợp đồng cho thuê đất, trong đó 17.000 ở Bangkok, nơi nhà vua sở hữu hơn 1.300 hecta đất, còn ở các vùng khác là hơn 5.300 hecta. Năm 2000, tổng thu nhập từ bất động sản mang tới khoảng 80 triệu USD cho vua Thái Lan, bao gồm trung tâm thương mại CentralWorld, khách sạn Four Seasons.

Choáng ngợp với khối tài sản khổng lồ của Quốc vương Thái Lan - ông hoàng giàu nhất thế giới - 3
Ngân hàng thương mại Siam, một trong những ngân hàng lớn nhất Thái Lan. Ảnh: Reuters. 

CPB cũng nắm giữ 23% cổ phần ngân hàng thương mại Siam, một trong những ngân hàng lớn nhất Thái Lan có vốn hóa thị trường 13 tỉ USD.

Cục Tài sản Hoàng gia cũng sở hữu 32% tập đoàn Siam Cement, một công ty vật liệu xây dựng trị giá 12,6 tỉ USD. Ước tính, giá trị cổ phiếu của hai công ty là 7 tỉ USD. Năm 2010, các công ty này đã trả 184 triệu USD tiền lợi tức cho CPB. Thực tế, tổng doanh thu của CPB trung bình đạt 290 triệu USD/năm.

CPB thành lập năm 1938, không thuộc quản lý của cung điện, cũng không phải một cơ quan chính phủ, càng không phải một công ty cá nhân. Nó là một tổ chức đặc thù. Quan trọng hơn, CPB không phải đóng thuế kinh doanh cũng như thuế đất.

Việc miễn thuế cho CPB được quy định trong luật pháp. CPB không phải tổ chức từ thiện hay cơ quan công, hoặc một quỹ tài sản có chủ quyền. Nó không phải công khai báo cáo thường niên và chỉ có nghĩa vụ trả lời nhà vua về chiến lược đầu tư.

Doanh thu hàng năm của CPB dùng để chi trả cho các hoạt động hoàng gia. Tuy nhiên, tiền đóng thuế của người dân cũng được sử dụng một phần cho hoàng gia. Năm 2011, ngân sách nhà nước chi cho Cục Hộ gia đình Hoàng tộc là 84 triệu USD, một cục khác nhận 15 triệu USD. Nếu tính cả chi phí an ninh, một năm chính phủ chi khoảng 194 triệu USD cho hoàng gia và các cận thần.

Theo M.Phương (Lao Động)