Giới phân tích chính trị quốc tế nhận định, đây là một phần trong đợt cải cách quy mô lớn của Tổng thống Zelensky nhằm mang lại “khởi đầu mới” như ông từng tuyên bố, trong bối cảnh chiến sự giữa Ukraine và Nga đang ở thời điểm vô cùng quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk ngày 4/9 thông báo trên tài khoản mạng xã hội cá nhân, rằng Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã nộp đơn từ chức. Ông Stefanchuk thông tin, đơn từ chức của Ngoại trưởng Kuleba sẽ sớm được xem xét tại một trong các cuộc họp toàn thể sắp tới, nhưng không nêu rõ thời gian. Ông Kuleba đảm nhiệm vị trí ngoại trưởng từ năm 2020.
Theo truyền thông quốc tế, ông là người đi đầu trong các nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh, kết nối và xây dựng quan hệ với các đối tác mới của Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt hồi năm 2022. Liên quan đến những tin đồn về việc sẽ sớm bị sa thải, ông Kuleba hồi năm ngoái từng khẳng định, rằng không có công việc nào là cố định và ông hoàn toàn bình tĩnh về mọi việc. “Ngay từ đầu, tôi đã xác định rằng mình sẽ rời đi trong hai trường hợp. Thứ nhất, khi tổng thống yêu cầu và thứ hai là nếu tôi gặp phải một số mâu thuẫn với chính sách đối ngoại và không thể làm việc được nữa”, ông Kuleba chia sẻ.
Không chỉ có Ngoại trưởng Kuleba, một ngày trước đó, 6 quan chức cấp cao Ukraine cũng đồng loạt đệ đơn từ nhiệm lên quốc hội, bao gồm: Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Alexander Kamyshin, Bộ trưởng Tư pháp Denys Maliuska, Bộ trưởng Sinh thái Ruslan Strilets, Phó Thủ tướng phụ trách Hội nhập châu Âu và châu Âu - Đại Tây Dương Olha Stefanishyna, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tái hòa nhập Iryna Vereshchuk và Giám đốc Quỹ Tài sản Nhà nước Vitalii Koval. Theo truyền thông quốc tế, các quan chức này là những gương mặt có nhiều hoạt động đóng góp thiết thực với Ukraine.
Đặc biệt, Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lượcAlexander Kamyshinđược coi là “ngôi sao đang lên” trong chính phủ, người dẫn đầu nỗ lực của Ukraine nhằm tăng cường sản xuất quốc phòng nội địa, từ thiết bị không người lái đến tên lửa tầm xa. Được bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng từ tháng 3/2023, quan chức này đã tạo dựng được hình ảnh là nhà quản lý hiệu quả trong thời chiến khi điều hành mạng lưới đường sắt quốc gia, tuyến đường hậu cần quan trọng cho cả mục đích quân sự và dân sự. Ông Alexander Kamyshinchia sẻ, dù đã nộp đơn từ nhiệm nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc trong lĩnh vực quốc phòng với một vai trò khác.
Với những quyết định từ chức nêu trên, khoảng 1/3 số ghế trong chính phủ Ukraine hiện đang trống và mọi thứ có thể chưa dừng lại vì trước đó, Tổng thống Zelensky tuyên bố sẽ có nhiều xáo trộn nhân sự trong nội các và văn phòng tổng thống nhằm tăng cường năng lực cho chính phủ.
Ông Zelensky nói trong video ký sự hôm 3/9: “Mùa thu sẽ cực kỳ quan trọng đối với Ukraine. Và các thể chế nhà nước của chúng ta cần được hoàn thiện để Ukraine đạt được tất cả các kết quả mà chúng ta cần. Để làm được điều này, một số lĩnh vực của chính phủ cần được củng cố và những thay đổi về cơ cấu nội các đã được chuẩn bị”. Chính phủ Ukraine cải tổ giữa lúc chiến sự giữa nước này với Nga đang ở thời điểm quan trọng. Ukraine hiện chật vật chống đỡ các đợt tấn công ngày càng tăng của Nga ở chiến trường miền Đông, đồng thời phải củng cố khả năng kiểm soát tại khu vực hơn 1.000km2 mà Kiev chiếm được khi phát động tấn công qua biên giới vào tỉnh Kursk của Moscow hồi đầu tháng 8. Trong khi đó, Nga đã đạt những bước tiến đáng kể khi tiến sâu tới huyết mạch hậu cần Pokrovsk của Ukraine. Được biết, nội các Ukraine từng thay đổi hàng loạt nhân sự từ khi Nga bắt đầu chiến dịch, trong đó có việc thay thế bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh quân đội. Tuy nhiên, ông David Arakhamia, lãnh đạo đảng cầm quyền Ukraine của Tổng thống Zelensky cho biết, lần này sẽ là “đợt cải tổ lớn nhất”, với hơn nửa nội các sẽ bị điều chuyển hoặc thay thế trong vài ngày tới.
Reuters dẫn nhận định của các học giả cho hay, không rõ ông Zelensky và các cộng sự đã chuẩn bị cho sự thay đổi nội các như thế nào, nhưng có khả năng họ phải tìm cách lấp đầy tất cả chức vụ còn trống nhằm ổn định tình hình trước khi Tổng thống Ukraine lên đường sang Mỹ dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng này. Hồi tuần trước, Tổng thống Zelensky cho biết, ông hy vọng gặp được người đồng cấp Mỹ Joe Biden cũng như hai ứng viên Tổng thống Kalama Harris và Donald Trump nhằm trình bày một kế hoạch chiến thắng giữa thời điểm giao tranh ngày một căng thẳng giữa Kiev và Moscow trên thực địa.
Trong khi đó, nguồn thạo tin của Reuters dẫn lời một số quan chức Ukraine lo ngại, rằng động thái cải tổ này là nỗ lực của ông Zelensky nhằm củng cố quyền lực. Ông Zelensky đắc cử tổng thống năm 2019 và theo lý thuyết, đã kết thúc nhiệm kỳ ngày 20/5 và Kiev phải tổ chức bầu cử tổng thống từ trước đó hai tháng. Tuy vậy, ông Zelensky đã quyết định không tổ chức bầu cử do Ukraine vẫn duy trì trạng thái thiết quân luật kể từ khi xung đột bùng phát. Nghị sĩ đối lập Iryna Gerashchenko bày tỏ lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân sự trong giai đoạn nhạy cảm như hiện nay. Bà Gerashchenko kêu gọi thiết lập một chính phủ đoàn kết. Đáp lại, Tổng thống Zelensky khẳng định: “Nếu muốn giành chiến thắng, toàn thể chúng ta phải cùng chung một hướng đi và chia sẻ niềm tin thắng lợi”.
Theo Kim Khánh (CAND Online)