Hạ viện Mỹ nơi đảng Dân chủ nắm đa số đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump với cáo buộc lạm quyền và cản trở Quốc hội.
Ông Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ thứ ba trong lịch sử bị luận tội. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là một tin xấu với ông Trump vì từ trước đến nay, không có tổng thống bị luận tội nào từng phải rời bỏ Nhà Trắng.
Sau cuộc bỏ phiếu luận tội ở Hạ viện, một phiên tòa Thượng viện sẽ có thể được tổ chức vào tháng 1 tới đây để ra phán quyết tha bổng hoặc bãi nhiệm chức vụ của tổng thống.
Với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện, ông Trump dự kiến sẽ đón nhận một kết quả có lợi cho mình, theo Al Jazeera.
Ông Trump bị buộc tội gì?
Ông Trump bị luận tội trước Hạ viện với cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội trong cuộc điều tra luận tội.
Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump gây áp lực buộc Ukraine phải mở một cuộc điều tra về đối thủ chính trị Joe Biden, người đang là ứng viên chủ chốt trong cuộc chạy đua tổng thống của đảng Dân chủ năm 2020.
Bên cạnh đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng cáo buộc ông Trump cản trở cuộc điều tra bằng cách từ chối tuân thủ trát hầu tòa và chỉ đạo các thành viên trong chính quyền làm điều tương tự.
Cuộc điều tra luận tội được đưa ra vào tháng 9 tập trung vào cuộc điện đàm của ông Trump, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy mở một cuộc điều tra về Biden và con trai ông, Hunter, người nằm trong hội đồng quản trị một công ty gas của Ukraine.
Tổng thống Trump cũng muốn người đồng cấp Zelenskyy điều tra nghi án Ukraine chứ không phải Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Vào thời điểm kêu gọi, chính quyền Trump đang giữ lại gần 400 triệu USD viện trợ quân sự được Quốc hội phê chuẩn cho Ukraine.
Các quan chức đảng Dân chủ cũng cáo buộc ông Trump tận dụng cuộc họp tại Nhà Trắng với ông Zelenskyy để đổi lấy các cuộc điều tra.
Phiên tòa Thượng viện là gì?
Sau khi Hạ viện thông qua bỏ phiếu luận tội, các tài liệu luận tội dự kiến sẽ được gửi đến Thượng viện, nơi các thượng nghị sĩ sẽ xem xét bằng chứng, nghe các nhân chứng và bỏ phiếu để tha bổng hoặc kết án tổng thống. Chánh án Tối cao Pháp viện sẽ chủ tọa phiên tòa.
Để kết án và bãi nhiệm một tổng thống khỏi chức vụ, một cuộc bỏ phiếu sẽ phải đảm bảo số phiếu thuận chiếm đa số ở mức 2/3 trong Thượng viện gồm 100 thành viên. Chính vì vậy, giới quan sát tin rằng khả năng ông Trump bị kết án là khó xảy ra.
Thượng viện Mỹ hiện tại bao gồm 53 thành viên thuộc đảng Cộng hòa, 45 thành viên thuộc đảng Dân chủ và hai đại diện đảng độc lập cùng phe với đảng Dân chủ. Để bãi nhiệm Tổng thống Trump, kịch bản sẽ phải có ít nhất 20 nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ phải bỏ phiếu thuận cùng với tất cả các thành viên đảng Dân chủ và hai đại diện đảng độc lập.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nhấn mạnh rằng ông muốn quá trình tố tụng nhanh chóng, trong khi Tổng thống Trump tỏ ra không bận tâm đến một phiên tòa đang chống lại mình.
Hôm 17/12, ông McConnell đã từ chối yêu cầu của đảng Dân chủ về việc đưa thêm các nhân chứng mới trong phiên tòa, nói rằng Thượng viện sẽ không "làm bài tập về nhà mà đảng Dân chủ đưa cho".
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết ông muốn nghe trình bày thêm từ bốn nhân chứng bổ sung, bao gồm cả Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton.
Khi nào phiên tòa Thượng viện sẽ diễn ra?
Sau khi quá trình luận tội ở Hạ viện được thông qua, một phiên tòa Thượng viện có thể bắt đầu. Chưa có sự xác nhận về thời gian Thượng viện thiết lập phiên tòa, tuy nhiên có khả năng nó sẽ tổ chức vào đầu năm mới.
Đảng Dân chủ tại Thượng viện đã đề xuất một kế hoạch xét xử với các thủ tục tố tụng sẽ bắt đầu vào ngày 6/1. Nhiều khả năng đảng Cộng hòa tại Thượng viện sẽ đồng ý với đề xuất của đảng Dân chủ.
Kịch bản khó lường
Mặc dù không có khả năng Thượng viện kết án và cách chức ông Trump, tuy nhiên trong trường hợp như vậy xảy ra, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ trở thành tổng thống và hoàn thành nốt nhiệm kỳ của ông Trump, kết thúc vào ngày 20/1/2021.
Theo Mạnh Kiên (Nguoiduatin.vn)