Các nhân viên cứu hộ đưa người bị thương đi cấp cứu - Ảnh: Reuters |
“Ở đó rất đông người nhưng cảnh sát lại đóng cửa mọi lối ra vào ở Mina, chỉ để lại một đường đi - ông Ahmed Abu Bakr, một người hành hương Libya, bức xúc - Cảnh sát ở đó tỏ ra rất thiếu kinh nghiệm. Thậm chí họ không biết các con đường và địa điểm tại đây”.
Trước đó chính quyền Saudi Arabia cho biết đã triển khai 100.000 cảnh sát để bảo vệ an toàn cho lễ hành hương Hajj và kiểm soát các đám đông.
Nhưng chuyên gia Irfan al-Alawi, đồng sáng lập Tổ chức Nghiên cứu di sản Hồi giáo ở Mecca, cho biết lực lượng cảnh sát không được đào tạo bài bản.
Họ cũng thiếu kỹ năng ngoại ngữ để giao tiếp với người hành hương nước ngoài. “Họ không biết cách tương tác với mọi người như thế nào. Họ không thể kiểm soát được đám đông” - ông al-Alawi nhấn mạnh.
Một nhân chứng khác là Mohammed Hasan, người Ai Cập, mô tả đám đông cảnh sát chỉ túm tụm lại một chỗ và chẳng làm gì cả.
Anh lo ngại những thảm họa tương tự có thể sẽ tái diễn và kêu gọi lực lượng an ninh Saudi Arabia tổ chức các con đường hiệu quả hơn để người hành hương di chuyển.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Saudi Arabia giải thích vụ giẫm đạp xảy ra khi hai đám đông người hành hương đụng vào nhau lúc di chuyển theo chiều ngược nhau trên cùng một con đường.
Nhưng nhiều người hành hương đặt câu hỏi tại sao cảnh sát không tổ chức, sắp xếp một đường riêng để đưa đám đông vào thực hiện nghi thức ném đá quỷ dữ và một đường khác để đi ra.
Từ Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, Tổng thống Joko Widodo khẳng định Saudi Arabia cần phải cải thiện năng lực quản lý lễ hành hương Hajj để ngăn chặn các thảm kịch tương tự. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, giáo hoàng Francis và Chính phủ Mỹ đã lên tiếng chia buồn với gia đình các nạn nhân thiệt mạng và bị thương. |