Quyết định này có nghĩa là chính quyền đặc khu cuối cùng đã chấp thuận 1 trong 5 yêu cầu của phe biểu tình, sau 13 tuần liên tục diễn ra các hoạt động biểu tình và bạo loạn.
Một nguồn tin cho biết bà Lam sẽ nhấn mạnh rằng việc loại bỏ dự luật là để hợp lý hóa chương trình nghị sự lập pháp, với việc Hội đồng Lập pháp được thiết lập để hoạt động trở lại vào tháng 10 sau kỳ nghỉ hè và do đó đây là một thủ tục kỹ thuật.
Đặc khu trưởng Carrie Lam trước đó đã đình chỉ dự luật dẫn độ sau khi vấp phải làn sóng phản đối từ phía người dân, do lo ngại sẽ bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.
Phe biểu tình lập luận rằng chừng nào dự luật còn nằm trong chương trình nghị sự lập pháp, Hội đồng Lập pháp sẽ vẫn còn cơ hội "hồi sinh" nó kể từ giờ cho tới hết nhiệm kỳ vào năm tới.
Bà Lam trước đó nói rằng dự luật dù bị đình chỉ vô thời hạn nhưng vẫn là mục tiêu xứng đáng và hợp pháp mà chính quyền của bà theo đuổi.
Cuối tuần trước đã chứng kiến một số cuộc đụng độ khốc liệt giữa người biểu tình và cảnh sát, khi những người biểu tình đã ném 100 quả bom xăng vào các mục tiêu như trụ sở cảnh sát và các tòa nhà chính quyền.
"Động thái chính thức rút lại dự luật chỉ là nỗ lực nhằm hạ nhiệt bầu không khí ở Hong Kong", một nguồn tin nhận định.
"Bà Carrie Lam được cho là đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ của mình sau khi gặp mặt 19 lãnh đạo thành phố vào 2 tuần trước. Đặc khu trưởng đã lắng nghe các lời tư vấn nhằm xuống thang căng thẳng tại Hong Kong", một nguồn tin khác cho hay.
Vào ngày 24/8, khoảng 19 lãnh đạo cấp cao của thành phố và các chính trị gia đã tập trung tại nhà riêng của Lam để thảo luận về khả năng tiến hành đối thoại với các nhân vật chủ chốt của phe biểu tình.
Ngoài việc yêu cầu chính thức rút dự luật, những người biểu tình còn kêu gọi chính quyền thành lập một ủy ban điều tra các hành vi bạo lực của cảnh sát, ân xá cho những người biểu tình hiện vẫn bị bắt giữ, ngừng mô tả các cuộc biểu tình là bạo loạn và khởi động lại quá trình cải cách chính trị của thành phố.
Các nhà phân tích cho biết có sự khác biệt quan trọng giữa việc đình chỉ và rút hoàn toàn thỏa thuận.
Một số chuyên gia về thủ tục nghị viện cho rằng với việc đình chỉ, dự luật vẫn còn tồn tại và về mặt lý thuyết, vẫn có thể được chính quyền đệ trình lên Hội đồng Lập pháp.
Dự luật dẫn độ trên lý thuyết vẫn là một phần của chương trình nghị sự lập pháp của chính quyền, và sẽ tồn tại đồng bộ với nhiệm kỳ hiện tại của Hội đồng Lập pháp cho tới tháng 7 năm 2020.
Theo Huy Vũ (Ngaynay.vn)