Chính phủ Nga từ chức hàng loạt, ông Putin đang toan tính điều gì?

16/01/2020 11:24:10

Việc toàn bộ chính phủ Nga từ chức hôm thứ Tư đã khiến cho ngay cả các nhà quan sát lâu năm cũng phải bất ngờ.

Chính phủ Nga từ chức hàng loạt, ông Putin đang toan tính điều gì?

Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố kế hoạch cải cách qua đó sẽ khiến người kế nhiệm ông trở thành Tổng thống ít quyền lực hơn, bằng cách phân bổ lại quyền lực theo cách mà Quốc hội và Thủ tướng Nga sẽ có sức mạnh lớn hơn.

Ông Putin cảm ơn các thành viên của chính phủ vì sự phục vụ của họ, nhưng nói rằng "không phải mọi thứ đều ổn".

Trong hai năm qua, xếp hạng tín nhiệm của Putin đã suy giảm, một phần do kết quả của cải cách lương hưu không hiệu quả và nền kinh tế trì trệ.

Tuy nhiên, khi các chi tiết chính xác của động thái từ chức hàng loạt này chưa được làm rõ, thì đây không hẳn là động thái nhằm phản đối các cải cách của Tổng thống Putin.

Trong tuyên bố sau khi chính phủ từ chức, Thủ tướng Dmitry Medvedev chỉ ra rằng hành động này sẽ giúp cuộc sống của Tổng thống Putin dễ dàng hơn.

Ông Medvedev nói rằng Tổng thống đã "vạch ra một số thay đổi cơ bản cho hiến pháp" và rằng "trong bối cảnh này, rõ ràng là chúng tôi, với tư cách là chính phủ nên đem tới cho Tổng thống cơ hội để đưa ra tất cả quyết định cần thiết cho việc này. "

Những cải cách mới sẽ nhắm vào việc phân bổ lại quyền lực, trao cho Quốc hội quyền bổ nhiệm Thủ tướng, người sau đó sẽ chỉ định nội các để được Quốc hội phê chuẩn. Theo lời của ông Putin: "Trong trường hợp này, Tổng thống sẽ có nghĩa vụ bổ nhiệm họ, điều này có nghĩa là Tổng thống sẽ không có quyền từ chối các ứng cử viên đã được Quốc hội phê chuẩn".

Căn cứ theo Hiến pháp Nga hiện tại, ông Putin sẽ không có quyền tham gia cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Tuy nhiên, không có gì ngăn cản ông Putin trở thành Thủ tướng, như đã làm vào năm 2008, khi ông và Medvedev hoán đổi vai trò trong 4 năm.

Valeriy Akimenko, một nhà phân tích chính trị của Nga cho biết: "Theo quan điểm cá nhân của tôi thì đây là một mối thỏa thuận giữa Putin và Medvedev. Medvedev không phải là một nhân vật độc lập và không tạo ra làn sóng chống lại Putin trong thời gian làm Tổng thống. Như trường hợp năm 2008, đây có vẻ như là một thỏa thuận chung giữa hai bên".

Không phải tất cả các nhà phân tích tin rằng ông Putin sẽ ngồi vào vị trí Thủ tướng trong tương lai. Chuyên gia Oleg Ignatov tại Trung tâm Chính sách có trụ sở tại Moscow chỉ ra rằng ông Putin cũng nói về việc thay đổi vai trò của Hội đồng Nhà nước Nga, một cơ quan tư vấn cho nguyên thủ quốc gia.

"Có tin đồn rằng ông Putin có thể lãnh đạo Hội đồng Nhà nước mới thay vì trở thành Thủ tướng mới", ông Ignatov cho biết. "Nếu điều này xảy ra, thì quyết định của Putin sẽ là quyết định sau cùng. Ông ấy sẽ không quan tâm đến các chi tiết kỹ thuật, nhưng mọi thứ sẽ nằm trong tầm kiểm soát của ông ấy".

Ông Akimenko cũng đồng thuận rằng vị trí mới này sẽ phù hợp với Tổng thống Putin. "Vai trò trong tương lai của Hội đồng Nhà nước hiện chưa được xác định, nhưng nó có thể đóng vai trò trọng tài, nghĩa là khi có tranh chấp, Hội đồng Nhà nước có thể đưa ra tiếng nói cuối cùng", ông Akimenko nhận định.

Theo Bắc Hiệp (Ngaynay.vn)