Dự luật Trách nhiệm Tài chính được thông qua tại Thượng viện Mỹ tối 1/6 tức sáng 2/6 giờ Hà Nội với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống, khi các nhà lập pháp chạy đua với thời gian để ngăn chính phủ vỡ nợ sau nhiều tháng tranh cãi giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, Reuter ngày 2/6 đưa tin.
Bộ Tài chính đã cảnh báo rằng họ sẽ không thể thanh toán tất cả các hóa đơn vào ngày 5 tháng 6 nếu Quốc hội không hành động trước thời điểm đó.
"Tối nay chúng ta đã tránh vỡ nợ", lãnh đạo phe Dân Chủ tại Thượng viện - Chuck Schumer cho biết hôm thứ Năm khi ông điều hành cuộc bỏ phiếu tại thượng viện với hơn 100 thành viên.
Tổng thống Biden ca ngợi hành động kịp thời của Quốc hội. "Tôi muốn cảm ơn các lãnh đạo Schumer và McConnell vì đã thông qua dự luật trần nợ. Thỏa thuận lưỡng đảng này là chiến thắng lớn cho nền kinh tế của chúng ta. Tôi mong được ký thành luật sớm nhất có thể và thông báo cho người dân Mỹ trong ngày 2/6", Tổng thống Biden cho hay.
Theo quy trình, bước cuối cùng hiện sẽ là Tổng thống Joe Biden ký duyệt thành luật. Lãnh đạo Nhà Trắng trước đó khẳng định sẽ ký thông qua dự luật ngay khi văn bản này được gửi tới văn phòng của ông.
Theo nội dung dự luật, trần nợ sẽ bị đình chỉ cho đến quý đầu tiên của năm 2025, tức sau khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 khép lại.
Thay vì nâng trần nợ (hiện ở mức 31.400 tỉ USD) lên một con số cụ thể, việc hoãn trần nợ cho phép quốc hội có thêm thời gian trước khi trở lại thảo luận vấn đề gai góc này. Động thái này còn giúp bảo đảm vấn đề trần nợ công không bị lợi dụng trong chiến dịch tranh cử.
Chủ tịch Hạ viện McCarthy và Tổng thống Biden đạt thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công vào cuối ngày 27/5, sau nhiều tuần đàm phán. Thỏa thuận bao gồm đình chỉ trần nợ trong hai năm, hạn chế chi tiêu trong thời gian đó, thu hồi ngân sách chưa sử dụng từ quỹ hỗ trợ Covid-19, tăng tốc cấp phép một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện với các chương trình phúc lợi cho người nghèo.
Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này sẽ tác động không nhiều lên nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, một số ước tính cho thấy chi tiêu của chính phủ chỉ giảm nhẹ trong 2 năm của thỏa thuận, tác động tiêu cực nhưng nhỏ đến GDP.
Một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng thỏa thuận có thể mở ra một kỷ nguyên mới của chính sách tài khóa chặt chẽ hơn khi giới lập pháp Mỹ đối mặt với thâm hụt quốc gia tăng vọt trong những năm xảy ra đại dịch COVID-19.
Trước đó, bế tắc kéo dài trong đàm phán trần nợ giữa Hạ viện và Nhà Trắng đã khiến thị trường tài chính lao đao, gây áp lực lên thị trường chứng khoán và buộc Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục cho một số đợt bán trái phiếu. Các nhà kinh tế cho rằng vỡ nợ sẽ gây hậu quả nặng nề hơn nhiều, có khả năng đẩy quốc gia vào suy thoái kinh tế, làm rung chuyển nền kinh tế thế giới và tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến.
HL (SHTT)