Tờ South China Morning Post đưa tin Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và toàn bộ nội các đã đồng loạt từ chức vào ngày 15-1 sau vụ bê bối liên quan tới lợi ích của trẻ em, đe dọa đến tình trạng hỗn loạn chính trị trong bối cảnh đất nước đang trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Truyền thông Hà Lan cho biết Thủ tướng Rutte đã triệu tập một cuộc họp và sau đó ra tuyên bố từ chức trong nội các liên minh bốn đảng. Động thái trên diễn ra khi chỉ còn hai tháng nữa là đất nước này tổ chức cuộc tổng tuyển cử.
Chính quyền Hà Lan đã cáo buộc sai lầm hàng nghìn gia đình tội gian lận trong việc nhận tiền trợ cấp cho trẻ em, trong đó nhiều gia đình bị yêu cầu hoàn trả một số tiền lớn dẫn đến tình cảnh khó khăn về tài chính và vỡ nợ.
Việc một số phụ huynh trở thành đối tượng điều tra của cơ quan thuế do họ mang hai quốc tịch cũng phản ánh tình trạng phân biệt chủng tộc có hệ thống tại Hà Lan, vấn đề vốn bị chỉ trích từ lâu.
Một cuộc điều tra vào tháng 12 của Quốc hội Hà Lan cho biết các quan chức đã cắt các quyền lợi của những gia đình bị cáo buộc gian lận từ năm 2013 - 2019 và gọi việc đòi lại hàng nghìn euro mà không cho các phụ huynh cơ hội chứng minh sự trong sạch là “sự bất công chưa từng thấy”.
Các nạn nhân của vụ bê bối đã nộp đơn kiện năm quan chức Hà Lan bao gồm ba bộ trưởng đang tại vị và hai cựu bộ trưởng.
Chính phủ Hà Lan đã công bố mức bồi thường ít nhất 30.000 euro cho mỗi phụ huynh bị buộc tội sai nhưng những nỗ lực đã không thành công khi những tiếng nói phản đối ngày càng tăng buộc chính phủ phải từ chức.
Ông Rutte từng phản đối nội các từ chức và nói rằng đất nước cần lãnh đạo trong thời điểm đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ông Rutte nói rằng nếu từ chức, ông có thể được ủy quyền để lãnh đạo một chính phủ lâm thời cho tới khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra.
Thủ tướng Rutte lãnh đạo ba chính phủ liên minh từ năm 2010, gần đây nhất là chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2017 bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ nhà lãnh đạo phe cực hữu Geert Wilders.
Các cuộc thăm dò cho thấy ông Rutte có khả năng giành chiến thắng ở nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử sắp tới vì đa phần người dân Hà Lan ủng hộ cách xử lý đại dịch COVID-19 của ông.
Theo Vĩnh Khang (Pháp Luật TPHCM)