Bộ Nội vụ Ấn Độ gửi văn bản phản hồi tới Tòa án Tối cao nước này cho rằng việc hình sự hóa hành vi hiếp dâm vợ trong hôn nhân "có thể gây tác động nghiêm trọng tới quan hệ vợ chồng và làm rối loạn thể chế hôn nhân".
"Một người chồng tất nhiên không có quyền xâm phạm sự đồng thuận của vợ. Tuy vậy, áp dụng tội hình sự 'hiếp dâm' theo quy định ở Ấn Độ vào thể chế hôn nhân có thể được cho là quá nặng," nội dung văn bản của chính phủ Ấn Độ có đoạn.
Điều 375 trong Luật Hình sự Ấn Độ quy định về hành vi hiếp dâm không coi chồng hiếp dâm vợ là tội hình sự, trừ khi người bị hiếp dâm ở tuổi vị thành niên. Hơn 100 nước trên thế giới và toàn bộ 50 bang Mỹ coi hiếp dâm trong hôi nhân là hành vi phạm tội hình sự, tuy vậy Ấn Độ và một số nước khác không coi đó là phạm pháp.
Chính phủ Ấn Độ lập luận rằng phụ nữ đã kết hôn đã có đủ bảo vệ pháp lý trước các hành vi tấn công tình dục và bạo hành. Văn bản của chính phủ Ấn Độ tuần này cho rằng hành vi hiếp dâm trong hôn nhân đã được nhắc đến trong luật bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình hồi năm 2005.
Luật này nhìn nhận hành vi hiếp dâm là một dạng bạo lực gia đình, nhưng không nêu hình phạt cụ thể. Một điều khoản khác trong luật hình sự quy định mức án tối đa ba năm tù cho đàn ông bị kết tội "tàn ác" với vợ.
Khoảng 6% phụ nữ đã kết hôn ở Ấn Độ báo cáo các vụ việc bạo lực tình dục do chồng gây ra, theo số liệu mà chính phủ nước này thu thập từ 2019-2021.
Chính phủ Ấn Độ và một số tổ chức tôn giáo phản đối kiến nghị thay đổi quy định về hành vi hiếp dâm trong hôn nhân, lập luận rằng đồng thuận tình dục được đưa ra khi kết hôn và không thể rút lại.
Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng lập luận này đã lỗi thời, đặc biệt trong bối cảnh các vụ bạo lực tình dục nhắm vào phụ nữ đang gia tăng ở Ấn Độ.
Hoài An (SHTT)