Theo Tuần san kinh tế Trung Quốc, tháng 9/2014, Trần Vệ Dân, Bí thư thành ủy Bình Hương, tỉnh Giang Tây bị bắt điều tra vì có dấu hiệu vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Cùng tháng, Trần An Chúng - người tiền nhiệm, khi đó đang giữ chức Phó chủ tịch HĐND tỉnh Giang Tây cũng bị viện kiểm sát bắt, điều tra về tội nhận hối lộ.
Ngoài Dân và Chúng, trong vòng một năm rưỡi, còn có thêm nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Bình Hương nối nhau ngã ngựa, như: Tôn Gia Quần - Phó thị trưởng thường trực, Án Đức Văn - Chủ tịch Chính Hiệp, Trương Học Dân - Tổng thư ký thành ủy, Hạ Duy Lâm - cựu Chủ tịch Chính Hiệp. Nhiều chủ xí nghiệp liên đới cũng bị bắt, điều tra.
Việc nhiều lãnh đạo chủ chốt liên tiếp bị bắt gây nên cơn địa chấn trên quan trường Bình Hương cũng như Giang Tây. Nhiều cán bộ luôn trong tâm trạng căng thẳng lo sợ bị bắt, một số chủ động tìm đến cơ quan kiểm tra kỷ luật giãi bày, cung cấp những thông tin mình biết để chứng tỏ trong sạch…
Trần Vệ Dân mất ghế vì người tình phản phé
Trần Vệ Dân sinh tháng 8/1959, có bằng Thạc sĩ Quản lý công thương, đại biểu Quốc hội khóa 12. Phạm nhiều tội lỗi nên Dân dự cảm trước điều gì sẽ xảy ra với mình.
Tháng 3/2014, một “người tình chung” của nhiều quan chức, trong đó có Dân bị bắt. Cô này có quan hệ kiểu “đổi tình lấy tiền, đổi sắc lấy quyền” với nhiều quan chức trong chính trường Giang Tây. Khi nghe tin cô này bị bắt, Dân cảm thấy “khó thoát kiếp nạn”. Dân lập tức thăm dò lãnh đạo, liên tục đi Bắc Kinh để chạy chọt và xin đi nước ngoài khảo sát.
Để tránh rút dây động rừng, lãnh đạo tỉnh đã đồng ý nhưng mặt khác đẩy nhanh tiến độ điều tra để bắt Dân trước ngày lên máy bay.
Hôm bị bắt, Dân theo kế hoạch bay từ ChangSha đến Bắc Kinh, nhưng trưa đó ông ta nhận được thông báo của Ban tổ chức tỉnh ủy mời lên làm việc về vấn đề sắp xếp nhân sự nên Dân phải thay đổi chuyến bay. Khi đến giờ bay không thấy Dân tới, cấp dưới gọi điện thì không liên lạc được, thì ra ông ta đã bị bắt.
Nhiều năm trước, cơ quan kiểm tra kỷ luật liên tiếp nhận được nhiều đơn thư tố cáo Dân bao nuôi nhiều người tình và có 2 con riêng. Sau khi chiến dịch “đả Hổ đập Ruồi” diễn ra mạnh mẽ, Dân lo sợ bị ảnh hưởng quan lộ nên quyết tâm chia tay với một người tình đã gắn bó lâu năm. Khi Dân đặt vấn đề, cô ta đòi "phí chia tay" 10 triệu NDT (35 tỷ VND). Dân chỉ đưa 4 triệu, cô này tức giận, dọa tố giác.
Để yên chuyện, Dân đành cắn răng thỏa mãn yêu cầu của cô ta, nhưng không thoát. Khoản tiền này Dân lấy từ túi các ông chủ. Dân giao du mật thiết với Hà Xuân Minh, Chủ tịch Tập đoàn Đại Phú Giang Tây. Sau khi bị bắt, Dân khai rằng Hà Xuân Minh nhiều lần chi những khoản tiền lớn cho Dân để “cám ơn” việc Dân miễn thuế đất và cho nhận các công trình ở Bình Hương.
Sau khi bị cơ quan kiểm tra kỷ luật bắt, chỉ trong 2 ngày, Dân đã khai ra mọi việc, trong đó có việc đưa hối lộ 1 triệu NDT cho người lãnh đạo chủ chốt của tỉnh ủy. Tiền đều do các ông chủ cung cấp.
Một quan chức giới quản lý công thương kể với phóng viên Tuần san Kinh tế Trung Quốc rằng ông ta nhiều lần nhận được điện thoại của Trần Vệ Dân yêu cầu giải quyết công việc cho ông chủ mà Dân giới thiệu. “Cùng một việc, có khi trong một năm, ông ta giới thiệu 2 người làm, tôi nói không được, nếu xảy vấn đề tôi không quản được. Ông ta nói không cần anh quản, cứ làm theo tôi là được”.
Trần Vệ Dân khai giữa ông ta và nhiều cô người tình vừa có kiểu “đổi tiền lấy tình” vừa có “đổi quyền lấy sắc”. Ông ta cũng vừa bao nuôi người tình cố định, vừa có những người tình ngắn hạn và hình thành mô thức “dùng người tình nuôi người tình”. Đối với những người tình kiểu “thời vụ”, trước hết hai bên định rõ các điều kiện rồi mới “đổi quyền lấy sắc”, giúp các ông chủ nhận công trình để nhận tiền ăn chia rồi đem tiền đó bao bồ.
Một nguồn tiền quan trọng khác của Dân là phong bao của cấp dưới. “Mỗi dịp tết, mỗi cán bộ dưới huyện đều biếu 20 – 30.000NDT. Các cơ quan, xí nghiệp cũng biếu nhưng ít hơn”. Đó chỉ là lễ nghi dịp tết, còn ai mua chức thì phải đưa nhiều hơn.
Trước khi lộ tẩy, chuyện của Dân được giữ kín, nên khi ông ta bị công bố điều tra, giới chính trị Bình Hương cảm thấy bất ngờ.
Đối với một bộ phận quan chức, Dân là người “đôn hậu, thật thà”, hay đứng ra mời bạn bè cũ ăn cơm, tặng trà ngon. Thế nhưng, đối với giới làm ăn, kinh doanh, Dân là người có tính hai mặt rất rõ, trước mặt thì cười nói, khen ngợi, nhưng vừa quay lưng là nói ghét, nói một đằng làm một nẻo, khi gọi điện nhờ vả hay văng tục. Xuất hiện nhiều lời đồn về chuyện đạo đức của Dân, nhất là chuyện dan díu với gái trẻ”.
Trần An Chúng - “Kẻ làm thuê cho những người tình”
Trần An Chúng là người tiền nhiệm của Trần Vệ Dân. An Chúng sinh năm 1954, bị điều tra từ tháng 12/2013, tới tháng 5/2015 thì đưa ra xét xử và sau đó bị tuyên án 12 năm tù.
Khi bị bắt, Chúng đã khai nhận mọi tội lỗi, liệt kê ra một bản danh sách nữ cán bộ đã lên giường với mình và viết một bản sám hối dài dằng dặc. Chúng là cán bộ được luân chuyển từ Hồ Nam qua Giang Tây, từng giữ chức Thị trưởng Hoành Dương (Hồ Nam), Cảnh Đức Trấn (Giang Tây), Bí thư thành ủy Bình Hương và Cửu Giang, năm 2008 thăng lên cấp phó tỉnh, lần lượt giữ các chức Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh, Phó Bí thư Chính pháp tỉnh, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Giang Tây.
Thông báo kỷ luật nêu rõ, Trần An Chúng lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho người khác rồi bản thân và thông qua người có quan hệ đặc biệt (người tình) nhận hối lộ khoản tiền cực lớn, đạo đức bại hoại, dâm ô trụy lạc.
Tuy văn bản không nói cụ thể về vấn đề “đạo đức bại hoại, dâm ô trụy lạc”, nhưng nguồn tin từ Bình Hương cho biết “số phụ nữ có quan hệ tình ái với Chúng đếm không xuể”. Một cán bộ thuộc quyền nói Chúng là “tay chơi” điển hình: “Ăn nhậu ngất trời, tiêu không biết bao nhiêu tiền công”. Người này kể khi tháp tùng Chúng đi công cán, mỗi lần mời khách ăn chơi thâu đêm, hết ăn uống đến nhảy nhót rồi lại ăn đêm ít nhất cũng mất 70 - 80.000NDT. Cấp dưới của ông ta rất đau đầu trong việc hợp lý hóa đơn để thanh toán những khoản chi tiêu đó.
Trần An Chúng rất khoái rượu, tử lượng rất cao. “Buổi tối uống nửa lít, tăng hai sau khi ca hát nhảy nhót lại chơi nửa lít nữa, chả ai địch nổi ông ấy”. Rất nhiều cấp dưới chứng kiến cảnh ông ta say ngay tại bàn nhậu, có khi nôn ngay tài chỗ. Mọi người khuyên đừng uống nữa, Chúng nói “không sao, cho tôi 5 phút”. Nghỉ ngơi một lúc, ông ta lại uống tiếp như chưa có chuyện gì xảy ra…
Thời gian Trần An Chúng làm Bí thư Bình Hương, ông ta thậm chí biến nhà hàng thành nơi làm việc, vừa ăn nhậu nhảy nhót vừa giải quyết công việc. Một vị lãnh đạo xí nghiệp địa phương kể: “Ông ta rất tùy tiện, ham vui, ngày nào cũng ăn nhậu đến 1-2 giờ sáng. Về tác phong sinh hoạt thì không có giới hạn. Chuyện gái gú thì đến mức dâm loạn. Ông ta thích hát, nhảy múa và chơi gái, đã từng đi Ma Cao đánh bạc, thậm chí chơi ma túy. Khi đến vũ trường, ông ta uống rượu, hút ma túy rồi tìm gái để truy hoan”.
Do ảnh hưởng của Trần An Chúng, một bộ phận quan chức cũng tìm kiếm hưởng lạc, phong khí quan trường ở Bình Hương rất đáng sợ.
Một quan chức nơi khác từng đến Bình Hương công tác kể lại: “Khi đó cán bộ Bình Hương công khai chuyện trai gái khiến tôi kinh ngạc. Khi họ tiếp khách, các quan chức ở đây đều đưa người tình đến, có người đưa tới 2 cô, họ đều coi đó là chuyện thường. Ở các nơi khác khi nói đến chuyện bồ bịch thường giấu diếm, ở Bình Hương họ không coi đây là điều xấu xa. Thậm chí, một số cán bộ lãnh đạo coi đi ăn uống mà không có gái đi cùng là điều kém cỏi, mất mặt”.
Chính vì vậy, trong thời gian Trần An Chúng lãnh đạo Bình Hương, các dịch vụ khách sạn, ăn uống và giải trí rất phát triển; các vũ trường, hộp đêm, hiệu massage… mọc lên như nấm. Thậm chí có lần phát biểu tại hội nghị cán bộ toàn thành phố, ông ta còn phê phán việc công an đột nhập, kiểm tra các vũ trường, trung tâm giải trí: “Các anh cứ đánh, đánh đến độ dân chúng không làm ăn gì được. Hiện nay cả nước đang mời gọi đầu tư, các thương nhân Đài Loan, Chiết Giang đến Bình Hương, chúng ta đến nơi tiếp đãi họ đàng hoàng cũng không có thì mời gọi họ sao được?”.
Một quan chức Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Giang Tây cho biết, sau khi bị bắt, Chúng đã khai rất triệt để. Ông ta nhận hối lộ tới 6 triệu NDT, ngoài ra còn nhiều lần nhận hối lộ tình dục. Ví dụ một ông chủ chi 200.000NDT để tìm cho Chúng một cô gái đẹp còn trinh trắng, sau đó Chúng đã giải quyết việc cho người này.
Nhiều người trong giới kinh doanh ở Bình Hương nói rằng, trong vấn đề tiền bạc, Trần An Chúng tỏ ra thanh cao, nếu ai không thân thiết hay đáng tin cậy đưa tiền thì ông ta đều không nhận. “Ông ta rất thận trọng, bản thân rất ít cầm tiền. Người bình thường đưa, ông ta quyết không lấy”.
Trái lại, Trần An Chúng rất thích các ông chủ chăm sóc nhu cầu vật chất của các cô người tình. Có lần tụ tập ăn nhậu với các ông chủ, họ biếu tiền, Trần An Chúng không nhận, chỉ vào cô bồ trẻ ông ta dắt theo và nói: “Người đẹp này cần xóa nghèo, các anh mua cho cô ấy cái nhà là được”. Sự hào phóng với những người tình của Chúng nổi tiếng khắp Bình Hương. “Ông ta cầm tiền rất ít, phần lớn đều đưa cho các người tình, về cơ bản là ông ta chỉ làm công cho các người tình mà thôi”.
Theo Ngô Tuyết (VietNamNet)