Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết thảm họa diễn ra ngày 25/4. Con thuyền khởi hành từ thị trấn ven biển Garabouli, phía đông thủ đô Tripoli của Libya và được cho là đã chở ít nhất 60 người di cư.
Cơ quan này cho biết chỉ 5 người di cư sống sót sau vụ tai nhạn và đã được lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đưa trở lại bờ. Hiện chưa rõ chuyện gì đã xảy ra với con thuyền.
Người phát ngôn của IOM, Safa Msehli cho biết chiếc thuyền bị lật một lúc sau khi rời Garabouli. Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya cho đến nay đã vớt được thi thể của 9 người đàn ông và một đứa trẻ.
Năm người sống sót được xác nhận gồm có bốn người đàn ông - ba người Pakistan và một người Ai Cập và một đứa trẻ Syria.
Đây là thảm kịch di cư mới nhất ở trung tâm Địa Trung Hải. IOM cho biết ít nhất 537 người đã chết đuối hoặc mất tích trong các thảm họa di cư ở vùng biển ngoài khơi Libya trong năm nay. Ngoài ra, hơn 4.300 người đã được chặn và đưa vào bờ.
Dự án Người di cư mất tích của IOM thống kê, quý đầu tiên của năm nay là quý nguy hiểm nhất ở Trung Địa Trung Hải kể từ năm 2017 với ít nhất 441 trường hợp tử vong được ghi nhận.
Tuy nhiên, con số đó có thể thấp so với số người thiệt mạng thực tế vì cơ quan này vẫn đang điều tra một số vụ đắm thuyền khác chưa được báo cáo và khoảng hơn 300 người trên thuyền vẫn chưa rõ sống chết.
Libya trong những năm gần đây đã nổi lên như một điểm trung chuyển chính cho những người di cư từ châu Phi và Trung Đông để đến châu Âu. Những kẻ buôn đã hưởng lợi từ sự hỗn loạn này, buôn lậu người di cư qua biên giới dài của đất nước với 6 quốc gia.
Theo các điều tra viên của Liên Hợp Quốc, những người bị chặn và đưa trở về Libya bị giam giữ trong các trung tâm giam giữ do chính phủ điều hành với đầy rẫy các hành vi ngược đãi như lao động cưỡng bức, đánh đập, hãm hiếp và tra tấn.
Chính vì lí do trên, những người di cư vẫn chọn chen chúc trên những chiếc thuyền được trang bị tồi tàn, thậm chí cả thuyền cao su và bắt đầu những chuyến đi trên biển đầy rủi ro của mình.
Theo Phương Uyên (Đời sống & Pháp luật)