Sau khi rút quân khỏi Syria, Nga đã thống kê và so sánh mức chi phí và tính hiệu quả của các cuộc chiến tranh do Mỹ và Nga tiến hành.
Cuộc chiến của Nga ở Syria: Chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất |
Trong tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa công bố chi phí cho chiến dịch không kích các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tại Syria là khoảng 464 triệu USD (33 tỷ rúp). Đây là nguồn kinh phí trích từ ngân sách hoạt động quân sự của Bộ Quốc phòng Nga.
Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, đây là khoản chi rất nhỏ, chưa bằng 0,8% ngân sách quốc phòng năm 2015 của nước này. Điều đó chứng tỏ, hoạt động ném bom các phần tử khủng bố IS ở Syria đòi hỏi chi phí không lớn hơn nguồn ngân sách giành cho hoạt động tập trận quân sự hàng năm.
Theo hãng tin CNBC, báo cáo ngân sách quốc phòng hàng năm (Defense Budgets Annual Report) của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s cho thấy, năm 2015 chi tiêu quốc phòng của Nga đạt mức 54,1 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2006.
Kể cả so với công bố ngân sách quốc phòng Nga năm 2016 mà điện Kremlin mới công bố vào ngày 7-3 vừa qua là 3,14 nghìn tỷ rúp (43,6 tỷ USD theo tỷ giá hiện hành), chi phí cho hoạt động quân sự hỗ trợ chính quyền Assad ở Syria cũng chỉ chiếm khoảng 1%.
Khi phát biểu tại lễ trao thưởng tại điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, hầu hết nguồn kinh phí 33 tỷ rúp đó là ngân sách dự trữ của Bộ quốc phòng, nằm trong ngân sách của Bộ năm 2015 để thực hiện các cuộc diễn tập quân sự và huấn luyện chiến đấu.
"Chúng tôi chỉ đơn giản là chuyển hướng các nguồn lực đó vào việc đảm bảo hoạt động của nhóm quân ở Syria. Và có lẽ, chưa từng có ai phát minh ra một cách hiệu quả hơn để đào tạo, rèn luyện kỹ năng chiến đấu trên thực tế như Nga" - ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh.
Nga duy trì mức chi phí khá thấp cho hoạt động không kích IS ở Syria
Tổng thống Putin tuyên bố rằng, về cơ bản, lực lượng không quân Nga ở Syria đã đảo ngược tình hình trong việc tiêu diệt các tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và al-Qaeda (al-Nusra) tại Syria và củng cố quy chế nhà nước và chính quyền hợp pháp của ông Assad, với chi phí thấp nhất.
Trong khi Nga chỉ mất suýt soát 3 triệu USD/ngày cho chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao, thì Mỹ chi tới gần 11,5 triệu USD mỗi ngày cho hoạt động quân sự ở Iraq và Syria mà chỉ khiến IS càng ngày càng mạnh.
Sau phát ngôn của ông Putin, các chuyên gia Nga cho rằng, xét về tương quan giữa tính hiệu quả và ngân sách bỏ ra, chiến dịch quân sự của nhóm Hàng không-Vũ trụ Nga ở Syria xứng đáng được coi là cuộc chiến tranh có chi phí thấp nhất nhưng lại đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài hai cuộc chiến tranh thế giới, những hoạt động quân sự nào của thế kỷ XX và XXI có chi phí tốn kém nhất? Các chuyên gia quân sự Nga không ngần ngại chỉ ra rằng: Đó là Mỹ. Các hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài được xếp vào dạng “hao người, tốn của, gây ra hậu quả trầm trọng nhất”.
Những cuộc chiến của Mỹ: “Hao người, tốn của, gây ra hậu quả trầm trọng nhất”
Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991 có thể được gọi là một trong những xung đột quân sự chớp nhoáng trong lịch sử Hoa Kỳ. Hoạt động của lực lượng liên quân do Hoa Kỳ đứng đầu mang tên "Bão táp sa mạc" kéo dài 42 ngày và kết thúc bằng việc giải phóng Kuwait và quân đội Iraq tháo lui.
Thế nhưng hoạt động quân sự ngắn ngủi này cũng đã khiến Mỹ mất 102 tỷ USD và 298 quân nhân thiệt mạng (nhiều người trong số đó bị chết do trúng đạn của chính quân đội Mỹ bắn nhầm).
Sau các cuộc tấn công khủng bố vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, Thành phố New York ngày 11-9-2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush phát động "cuộc chiến chống khủng bố" - chiến dịch "Nền tự do bền vững", được tiến hành ở Afghanistan, Iraq, Pakistan, Somalia, Yemen...
Các chuyên gia trường Đại học Harvard ước tính rằng sự tham gia của Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan tiêu tốn khoảng 4 nghìn tỷ đến 6 nghìn tỷ USD, khiến cho "cuộc chiến chống khủng bố" này thành xung đột quân sự tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, hiệu quả của cuộc can thiệp quân sự lần 2 vào Iraq thì vô cùng không tương xứng. Không cần bất cứ số liệu thống kê nào thì chúng ta cũng đã thấy, hiện nay Iraq loạn lạc và chết chóc như thế nào.
Còn ở Afghanistan thì sao? Tờ Washington Post, dựa theo các nguồn tin phương Tây và bản xứ cho biết rằng, hiện khoảng 30% lãnh thổ nước này nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức khủng bố Taliban, 7.000 binh sĩ Afghanistan thiệt mạng, 12.000 người bị thương cho đến năm 2015.
Cuộc chiến ở Afghanistan của Mỹ kết thúc với việc 30% lãnh thổ nước này bị Taliban kiểm soát
Còn cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 8 năm đã khiến Mỹ phải tiêu tốn 738 tỷ USD và hơn 58.000 quân nhân thiệt mạng, cùng với một khối lượng vũ khí, trang bị và viện trợ quân sự khổng lồ.
Tuy nhiên, hậu quả lớn nhất mà Washington phải gánh chịu sau cuộc chiến này là "hội chứng Việt Nam", thể hiện trong việc nhiều người Mỹ từ chối hỗ trợ việc các lực lượng vũ trang tiến hành những chiến dịch quân sự lâu dài và mạo hiểm cùng với hàng loạt binh lính mắc các chứng bệnh khác nhau, hoặc nhiễm chất độc da cam...
Cuộc chiến giữa miền Bắc và miền Nam Triều Tiên bắt đầu năm 1950 và kéo dài trong 3 năm. Tham gia vào cuộc chiến tranh này, đối đầu với Liên Xô, Trung Quốc và Triều Tiên cũng khiến Mỹ thiệt hại 341 tỷ USD và khoảng 34.000 người thiệt mạng.
Cuộc chiến ở Kosovo kết thúc với hoạt động “Lực lượng đồng minh” (Allied Force), kéo dài trong 78 ngày của NATO, trong đó máy bay Đồng minh tiến hành chiến dịch không kích vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng dân sự của nước Cộng hòa Liên bang Nam Tư.
Theo các chuyên gia quân sự của Tạp chí Jane's, chiến dịch không kích Nam Tư khiến NATO tốn khoảng 43 tỷ USD. Theo chính quyền Nam Tư, trong quá trình đó "lực lượng liên quân" giết hại hơn 1.700 dân thường, khoảng 10 ngàn người bị thương nặng.
Theo Toàn Thắng (Đất Việt)