Theo The Strategist, điều khác biệt trong cuộc xung đột hiện tại ở khu vực Kavkaz là việc sử dụng các hệ thống bom, đạn "lảng vảng" (một cách gọi các drone cảm tử) chi phí thấp mua từ các đồng minh. Mỗi máy bay không người lái có giá thấp hơn nhiều so với một nền tảng vũ khí có người điều khiển hoặc một UAV có thể tái sử dụng. Trong tương lai, các công nghệ sản xuất nhanh chóng sẽ cho phép các nước có được chúng với chi phí thấp và được sử dụng theo kiểu bầy đàn. Đó là một nhân tố có thể thay đổi diện mạo chiến tranh trên bộ.
Đặc trưng rõ ràng nhất của cuộc chiến đã được thể hiện qua các cảnh quay máy bay không người lái tấn công các phương tiện chiến đấu bọc thép, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực, và bộ binh không được bảo vệ, với hiệu ứng tàn khốc.
Điều này đã tạo ra cuộc tranh luận về việc liệu các phương tiện bọc thép đắt tiền và có công nghệ phức tạp có thể tồn tại trong các trận chiến trong tương lai trước hàng loạt “máy bay không người lái cảm tử” giá rẻ hay không. Phải chăng những chiếc xe tăng, xuất hiện lần đầu trên chiến trường vào năm 1917, giờ đã đến gần những năm xế chiều.
“Máy bay không người lái tự sát sẽ không biến mất khỏi không gian chiến đấu và, với sự tinh vi của hệ thống hiện đang được cả hai bên sử dụng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, nên thận trọng khi xem xét các khả năng chúng có thể được sử dụng bởi một thế lực lớn trong Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, tờ tạp chí Australia viết.
Bằng chứng từ Nagorno-Karabakh cho thấy rằng trước tiên các máy bay không người lái tấn công hệ thống phòng không trên chiến trường để giành và duy trì quyền kiểm soát vùng trời tầm thấp trước khi tấn công các hệ thống tác chiến mặt đất.
Những chiếc máy bay không người lái tự sát có thể chỉ khoảng 100.000 USD mỗi chiếc và có thể tiêu diệt một chiếc xe bọc thép trị giá 50 triệu USD.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)