Joe Biden thắng Donald Trump, trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46, qua đó đưa bà Kamala Harris đi vào lịch sử đất nước khi là nữ Phó Tổng thống da màu gốc Á đầu tiên. Và ở cách đó hàng chục ngàn cây số, có một vùng quê nghèo tại Ấn Độ cũng đang bừng sáng.
Đó là làng Thulasendrapuram, một ngôi làng nhỏ bé với chỉ 350 người sinh sống. Nhà tổ tiên của bà Kamala Harris ở đó. Pháo nổ tung trời, người người ra đường cầu nguyện, để ăn mừng chiến thắng của một người con quê hương trên đất Mỹ.
"Chúc mừng Kamala Harris. Niềm tự hào của làng ta," - một người phụ nữ rắc bột màu, tạo thành dòng chữ như vậy ngay trước cửa nhà.
Ở thời điểm Biden được truyền thông Mỹ tuyên bố thắng cuộc, ngôi làng này gần như chẳng ai còn thức. "Suốt 2 đến 3 ngày kết quả bị trì hoãn, chúng tôi đã chắp tay cầu nguyện," - trích lời Kalidas Vamdayar, dân làng. "Còn giờ là thời khắc vui mừng nhất. Chúng tôi đang tận hưởng nó."
"Chúng tôi nổ pháo ăn mừng, mang thức ăn đi phân phát cho mọi người, và cùng lên đền cầu nguyện," - Vamdayar cho biết. "Chúng tôi muốn mời cô ấy về đây. Cô ấy có thể nghe thấy những lời này, và sẽ đến."
"Kamala Harris là người con của ngôi làng này," - Aulmozhi Sudhakar, ủy viên hội đồng làng cho biết. "Từ trẻ em đến bô lão, chúng tôi đều chờ ngày cô ấy tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống Hoa Kỳ."
Suốt cả ngày hôm đó, dân làng hát ca, nhảy múa rồi đốt pháo. Các bức poster cổ vũ và chúc mừng thành công của Harris được treo khắp làng.
Học giả Balachandran Gopalan - chú của Kamala Harris cho biết người chị quá cố hẳn sẽ rất tự hào về thành tựu của con gái mình. "Chị chắc chắn sẽ tự hào. Thực sự chẳng có bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới lại có một phụ nữ gốc nhập cư chạm được đến văn phòng có vị thế cao nhất đất nước cả."
Mẹ của Harris - Shyamala Gopalan Harris vốn là người Ấn Độ, sau đó chuyển tới Mỹ từ năm 19 tuổi để theo đuổi sự nghiệp học vấn tại ĐH California. Bà kết hôn một người đàn ông Jamaica, sinh ra 2 người con gái. Harris từng chia sẻ, mẹ của bà - một nhà hoạt động dân quyền - là hình mẫu lý tưởng để bà noi theo, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ việc là người nhập cư cho đến chuyện phải một mình nuôi con, gây dựng sự nghiệp tại Mỹ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mô tả thành công của Harris là một bước ngoặt lịch sử, là niềm tự hào không chỉ với người trong làng mà còn cho toàn thể cộng đồng người gốc Ấn đang sinh sống tại Mỹ. "Tôi tự tin mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ sẽ vững mạnh hơn với sự lãnh đạo của cô ấy," - ông Modi chia sẻ trên Twitter.
Theo J.D (Pháp luật & Bạn đọc)