Với tính năng vượt trội, chiến hạm cỡ nhỏ thuộc Project 21632 Tornado của Nga được cho là rất phù hợp với Hải quân Việt Nam.
Thu hút khách hàng
Tàu chiến Project 21632 Tornado là phiên bản xuất khẩu của dự án tàu pháo nhỏ (IAC) Project 21630 Buyan-M của Hải quân Nga. Lớp tàu này được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ven biển, trên sông và thực hiện một số nhiệm vụ như tuần tra trinh sát trong thời bình.
Hiện nay, Project 21632 Tornado có nhiều biến thể khác nhau, các biến thể có một số sự thay đổi đặc biệt, thoải mái cho khách hàng lựa chọn tùy vào nhu cầu mỗi nước: Đầu tiên là phiên bản tàu pháo, nếu có nhu cầu pháo hạm hiện đại, có khả năng chi viện hỏa lực đổ bộ đường biển thì đây là lựa chọn sáng giá.
Phiên bản này giữ nguyên kiểu dáng bản gốc, trang bị một pháo chính A-190 phía trước kết hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực 5P-10-03E "Laska-M" cùng với radar và các kênh quang-điện tử khác.
Tàu chiến Project 21632 Tornado phiên bản của Hải quân Nga. |
Phía sau tàu được trang bị pháo phản lực A-215 Grad M, đây là biến thể dùng trên biển của hệ thống pháo phản lực BM-21 của Nga. Hệ thống phòng không của tàu là tổ hợp tên lửa hải đối không 3M-47 Gibka SHORAD, cùng hai pháo AK-360 và hai ụ súng 14,5 mm trên cấu trúc thượng tầng của tàu.
Đây chính là phiên bản thiết kế dành cho mục đích hỗ trợ tấn công đổ bộ, tiêu diệt các mục tiêu bờ biển, mục tiêu nhỏ trên biển, tuần tra trinh sát, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn.
Project 21632 Tornado trang bị tên lửa khác hẳn với biến thể đầu tiên. Biến thể tàu tên lửa này được trang bị hai bệ bên lửa Uran-E (2x4 PU) và không có pháo phản lực A-215 Grad M, bệ phóng tên lửa được đặt ở giữa tàu và hệ thống phòng không 3M-47 được đưa về phía sau tàu.
Với biến thể này, tàu Tornado có sức mạnh tương đương tàu hộ vệ tên lửa lớp Molniya đang trang bị trong Hải quân Nhân dân Việt Nam, phù hợp với việc tiêu diệt các mục tiêu lớn với cú đánh dồn dập tới tập ở cự ly trên 100 km, tuy nhiên biến thể này có lợi thế hơn tàu Molniya là có thiết kế tàng hình.
Ngoài những biến thể kể trên, Project 21632 Tornado còn có biến thể trang bị tên lửa siêu âm Yakhont với tầm tiêu diệt mục tiêu lên đến 300 km, hai pháo AK-360 được bố trí bên hai mạn tàu, còn các vũ khí khác được bố trí tương tự biến thể thứ hai.
Hải quân Việt Nam có quan tâm?
Rõ ràng với những phiên bản kể trên, tàu Project 21632 Tornado chắc chắn thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng, tuy nhiên, chưa chắc đã lọt vào "mắt xanh" của Hải quân Việt Nam.
Theo đó, với biến thể tương đương với tàu cao tốc tên lửa Molniya - rất khó để phiên bản này dành được sự quan tâm của Việt Nam bởi theo truyền thông Nga, Hải quân Việt Nam đã quyết định đóng thêm loạt tàu Molniya với những vũ khí hoàn toàn mới.
Thông tin này được Tập đoàn Vympel (Nga) cho biết, theo đó sau khi hạ thủy cặp tàu Molniya thứ 3, Hải quân Việt Nam đóng thêm ít nhất 4 chiếc nữa với tên lửa Kalibr-N.
Nếu tàu tên lửa Molniya của Việt Nam được trang bị hệ thống vũ khí mới Kalibr-N thì ngoài khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền, tấn công tàu nổi, tàu tên lửa Việt Nam còn có thể thể công tàu ngầm với những đòn đánh kinh hoàng.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, trong biên chế của hệ thống Kalibr-N có: Tên lửa chống tầu 3M-54E, 3M-54E1, tên lửa 3M-14E tấn công mặt đất, tên lửa chống ngầm 91RTE2; Hệ thống điều khiển tên lửa; giàn phóng tên lửa ống phóng thẳng đứng 3S-14E hoặc nằm chéo 3S-14PE.
Cấu tạo tên lửa chống ngầm: tên lửa 91RTE2 là tên lửa đạn đạo có hai tầng động cơ phản lực nhiên liệu rắn, động cơ tầng thứ nhất là động cơ tăng tốc lấy độ cao, động cơ tầng thứ hai là động cơ hành trình nhiên liệu rắn.
Tên lửa được lắp đầu đạn là tên lửa chống ngầm APR-3ME (khối lượng 475kg, đường kính 350mm, chiều dài 3500mm, khối nổ 74kg) hoặc ngư lôi chống ngầm MPT-1UME (khối lượng 300kg, đường kính 324, chiều dài 3000mm và khối nổ 60kg). Định danh của NATO là SS-N-27 "Sizzler”.
Khi phát hiện tọa độ khu vực hoạt động của tàu ngầm đối phương từ các phương tiện trinh sát. Các chiến hạm sẽ phóng tên lửa chống ngầm về phía khu vực mục tiêu. Khi tên lửa tiếp cận khu vực mục tiêu, các tên lửa và ngư lôi chống ngầm sẽ tiếp nước bằng dù.
Chiến hạm Gepard-3.9 trong Hải quân Việt Nam. |
Tên lửa chống ngầm APR-3ME và ngư lôi chống ngầm MPT-1UME đều có khả năng tự tìm mục tiêu dưới nước ở chế độ không gây ồn, tiếp cận mục tiêu bằng tốc độ cao và nổ phá tiêu diệt mục tiêu. Tên lửa có đường kính 533 mm, chiều dài 6200mm, khối lượng phóng là 1200kg.