Chiến đấu cơ Trung Quốc - Sư tử yếu tiếng gầm

31/01/2016 08:13:36

Mang động cơ yếu, kém tin cậy, chiến đấu cơ Trung Quốc khó có thể giành lợi thế trước máy bay Mỹ.

Mang động cơ yếu, kém tin cậy, chiến đấu cơ Trung Quốc khó có thể giành lợi thế trước máy bay Mỹ.

Khách tham quan đứng cạnh mẫu tiêm kích J-31 của Trung Quốc tại một triển lãm hàng không. Ảnh: Reuters

 
Trong hơn 30 năm qua, quân đội Trung Quốc đã tự nghiên cứu và phát triển nhiều mẫu chiến đấu cơ hiện đại, được quảng bá là không thua kém gì các máy bay tiên tiến nhất của Nga và các nước phương Tây, chẳng hạn như Cá mập Bay J-15, Đại bàng Đen J-20 hay tiêm kích tàng hình J-31.

Chiến đấu cơ J-31 được truyền thông Trung Quốc mô tả là một máy bay tàng hình thế hệ thứ năm, có sức mạnh và những tính năng hiện đại không thua kém gì F-22 Raptor, F-35 của Mỹ hay T-50 của Nga. Một số chuyên gia quân sự cho rằng J-31 được Trung Quốc phát triển dựa trên những thông tin mật về chương trình F-35 của Mỹ mà gián điệp nước này đánh cắp được, theo Military Factory.

Dù được báo chí Trung Quốc ca ngợi như những con sư tử đầy dũng mãnh, các chiến đấu cơ này vẫn chỉ có "tiếng gầm" yếu ớt, theo các chuyên gia phân tích quân sự quốc tế, bởi một trong những bộ phận chủ chốt của nó là động cơ lại không thể ganh đua được với các sản phẩm đến từ Nga, Mỹ.

Theo ông Douglas Barrie, chuyên gia cấp cao về hàng không quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, công nghệ chế tạo động cơ của Trung Quốc đi sau các đối thủ cạnh tranh của Nga và phương Tây rất nhiều, khiến các chiến đấu cơ tự sản xuất của họ mất đi sức mạnh đáng kể.

Trong một thông cáo gửi cho Reuters, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng có một "khoảng cách rõ rệt" giữa công nghệ quân sự Trung Quốc với các nước phát triển, và Bắc Kinh sẽ phải nỗ lực để tăng cường sức mạnh cho các lực lượng vũ trang.

Các biện pháp hạn chế xuất khẩu vũ khí của các nước phương Tây cấm các nhà thầu của họ bán cho Trung Quốc động cơ phục vụ mục đích quân sự, buộc Trung Quốc phải tự mày mò thiết kế động cơ của riêng mình hoặc sử dụng những loại động cơ mà Nga đồng ý cung cấp cho nước này để trang bị trên chiến đấu cơ của họ.

Trong một cuộc trình diễn hai năm trước, chiến đấu cơ J-31 của Trung Quốc đã bị giới quân sự chê "tơi tả" khi phụt ra những luồng khói đen kịt đằng sau động cơ, và nhiều người tuyên bố rằng chẳng cần đến radar, chỉ cần nhìn luồng khói đen này là đã đủ phát hiện máy bay "tàng hình" của Trung Quốc.

"Các nhà sản xuất động cơ của Trung Quốc phải đối mặt với nhiều vấn đề", Michael Raska, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết.

Hậu quả là các máy bay như J-20 hay J-31 không thể bay ở vận tốc siêu thanh giống như đối thủ F-22 và F-35 mà không sử dụng bộ đốt tăng lực, hai nguồn tin chuyên theo dõi các chương trình quân sự của Bắc Kinh tiết lộ với Reuters.

Để đạt được vận tốc siêu thanh, các chiến đấu cơ này phải sử dụng đến bộ đốt tăng lực, nhưng bộ phận này sẽ làm vô hiệu hóa khả năng tàng hình của máy bay, yếu tố sống còn để bảo vệ phi cơ trước các hệ thống radar phòng không hiện đại của đối phương.
 

Chiến đấu cơ J-31 xả khói đen mù mịt trong đợt bay trình diễn năm 2014. Ảnh: Gizmodo

 
Các nguồn tin giấu tên này cho biết thêm, ngay cả động cơ máy bay chiến đấu được giới chuyên gia coi là tốt nhất của Trung Quốc cũng có những vấn đề về độ tin cậy. Một chuyên gia quân sự hiểu biết về chính sách quốc phòng của chính phủ Trung Quốc khẳng định chiến đấu cơ của nước này không thể hoạt động tốt như máy bay Mỹ vì những yếu kém trong công nghệ động cơ.

Thua thiệt khi đụng độ

Trung Quốc bắt đầu chế tạo máy bay chiến đấu theo giấy phép do Nga chuyển giao từ thập niên 1950, và sau đó khởi động chương trình tự phát triển chiến đấu cơ từ thập niên 1980.

Truyền thông Trung Quốc cho hay cơ quan này đã chế tạo được hơn 250 động cơ máy bay, trang bị trên một số chiến đấu cơ thế hệ thứ tư J-10 và J-11. Tuy nhiên, các động cơ này bị chê là không tạo ra đủ sức đẩy cần thiết, và thường xuyên phải sửa chữa những hỏng hóc phát sinh.

Động cơ máy bay chiến đấu tốt nhất mà Trung Quốc tự sản xuất được là WS-10A Taihang của Viện Nghiên cứu Động cơ hàng không Thẩm Dương, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC). Một nguồn tin cho hay động cơ Taihang vẫn đang được cải tiến, bởi độ tin cậy là vấn đề lớn nhất mà động cơ này gặp phải.

Các chuyên gia an ninh và chế tạo vũ khí tin rằng những yếu kém này sẽ khiến chiến đấu cơ Trung Quốc gặp rất nhiều bất lợi khi nổ ra đụng độ với Mỹ hay Nhật Bản trên các vùng biển có tranh chấp chủ quyền.

Các chuyên gia cho rằng sau khi thử nghiệm cho máy bay dân sự hạ cánh trái phép trên đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Trường Sa, Bắc Kinh sẽ tăng cường sự hiện diện của các chiến đấu cơ trên Biển Đông, làm gia tăng các cuộc chạm mặt với may bay quân sự Mỹ trên vùng biển chiến lược này.

Trong trường hợp đụng độ bất ngờ nổ ra, sức cơ động kém của các chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ trở thành điểm yếu dễ dàng bị các máy bay Mỹ khai thác triệt để. Trung Quốc chỉ có thể dựa vào lợi thế về số lượng chiến đấu cơ cũng như những loại tên lửa phức tạp có thể thể phóng từ đất liền hoặc tàu chiến để giành thế áp đảo trước Mỹ, các chuyên gia cho hay.

Trước mắt, Trung Quốc đang áp dụng giải pháp tình thế là trang bị động cơ do Nga sản xuất cho các chiến đấu cơ của mình. Hồi tháng 11, Trung Quốc đã đàm phán với Tập đoàn Động cơ Thống nhất của Nga để có thể tham gia phát triển và sản xuất động cơ quân sự sau thỏa thuận mua 24 tiêm kích Su-35 giữa hai nước.

Tuy nhiên đây không phải là những động cơ tốt nhất mà Nga đang trang bị trên T-50, và không mang lại nhiều lợi thế cho các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm. Chiếc J-31 phụt khói đen của Trung Quốc sử dụng động cơ RD-93 của Nga, biến thể của động cơ RD-33 vốn được sử dụng cho tiêm kích Mig-29 từ thập niên 1970.

Để khắc phục điểm yếu này, Trung Quốc đã coi việc phát triển động cơ máy bay chiến đấu là ưu tiên hàng đầu trong những năm gần đây. Theo ước tính của nhóm tư vấn Galleon, Bắc Kinh sẽ chi khoảng 300 tỷ USD trong 20 năm tiếp theo cho các chương trình động cơ máy bay dân sự và quân sự.
 

Động cơ mạnh mẽ được trang bị trên tiêm kích F-35 của Mỹ. Ảnh: Gizmodo

 
Một số nguồn tin cho hay Trung Quốc đã bỏ tiền thuê các kỹ sư và cựu binh không quân nước ngoài làm việc cho các dự án phát triển động cơ của mình. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin này.

Hồi tháng 10 năm ngoái, truyền thông Trung Quốc đưa tin AVIC đã hợp nhất ba công ty sản xuất động cơ máy bay thành một đơn vị duy nhất. Các nguồn tin cũng khẳng định nước này sẽ tiếp tục sáp nhập các nhà sản xuất động cơ với nhau để huy động nguồn lực tối đa cho công việc quan trọng này.

"Trong 20 hoặc 30 năm tới, với những gì họ đã và đang làm, Trung Quốc mới có thể sẽ sở hữu động cơ máy bay quân sự đáng tin cậy", Greg Waldron, chuyên gia tại trang Flightglobal, nhận định.

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)

Nổi bật