Sở hữu hỏa lực mạnh, lớp giáp dày vượt trội so với hầu hết các xe tăng Đức nhưng S35 không thể cứu Pháp khỏi thất bại trong cuộc xâm lược của Đức năm 1940.
Việc Pháp thất thủ trước cuộc xâm lược của phát xít Đức năm 1940 là thất bại không đáng có, bởi về lý thuyết, quân đội Pháp có quy mô lớn và có những vũ khí ưu việt, chẳng hạn như Somua S35, một trong những xe tăng tốt nhất thế giới khi đó, theo War Is Boring.
Theo chuyên gia quân sự Robert Beckhusen, S35 và Char B1 là các xe tăng được vũ trang mạnh và có lớp giáp tốt hơn xe tăng hạng nhẹ Panzer I và II cũng như tăng hạng trung Panzer III và IV của Đức.
Nhà máy sản xuất xe tải Somua ở Saint Ouen bắt đầu phát triển tăng S35 từ năm 1934. Các lỗi thiết kế của S35 được bù đắp bằng hỏa lực mạnh và lớp giáp dày. Loại xe này có lớp giáp 47 mm ở mặt trước, trong khi tháp pháo và hai bên sườn được bọc giáp dày 40-42 mm. Vũ khí chính của xe là một pháo cỡ nòng 47 mm, loại vũ khí đầy uy lực hồi năm 1940.
Hình dáng bề ngoài của S35 khá giống tăng Sherman phiên bản đầu của Mỹ với lớp vỏ đúc kiên cố. Tuy nhiên, lớp vỏ này khiến quá trình sản xuất xe trở nên đắt đỏ và tốn thời gian hơn so với xe tăng dùng vỏ hàn như T-34 Liên Xô.
Xe tăng S35 sở hữu lớp giáp và hỏa lực vượt trội so với đối thủ Đức. Ảnh: Pinterest. |
Với các đặc tính này, S35 dư sức đánh bại bất kỳ mẫu tăng tương tự nào của Đức khi đó. Tăng Panzer III chỉ có giáp dày 30 mm và một pháo 37 mm, gần như không thể đối đầu với S35 từ tầm trung đến tầm xa. Chỉ có pháo phòng không 88 mm và oanh tạc cơ bổ nhào Ju-87 Stuka mới có khả năng tiêu diệt tăng S35 tốt hơn.
Tuy nhiên S35 cũng có một số điểm yếu. Ngoài việc giá thành đắt đỏ, lớp vỏ đúc khiến nó rất khó cơ động trên chiến trường. Chỉ cần hỏng một bánh xích là S35 có thể bị loại khỏi vòng chiến, trong khi các sư đoàn tăng Đức vẫn ào ạt tiến quân nhờ ưu thế tốc độ. Đến khi kíp tăng S35 khắc phục xong sự cố thì trận chiến đã diễn ra ở nơi khác.
Trưởng xe vừa phải vận hành pháo vừa chỉ huy, nhưng tháp pháo không có nắp khiến tầm quan sát bị hạn chế. 80% số xe S35 không có thiết bị liên lạc radio, khiến lực lượng này không thể thích ứng với sự thay đổi tình hình trên chiến trường.
Beckhusen cho rằng đây chính là những lý do giúp Đức vượt qua bất lợi về hỏa lực. Quân đội Đức được tổ chức và sử dụng các chiến thuật hiệu quả, giúp chỉ huy chiến trường linh hoạt và chủ động hơn, cũng như được trang bị các hệ thống liên lạc radio đầy đủ hơn.
Đến tháng 5/1940, quân đội Pháp vẫn sử dụng chiến thuật thiên về phóng thủ từ thời Thế chiến I, vốn rất cứng nhắc và quá chú trọng vào các sư đoàn bộ binh.
Xe tăng S35 trong bảo tàng của Pháp. Ảnh: World War Photos. |
"Trong các cuộc tập trận quy mô lớn, chỉ huy Pháp đều muốn binh lính được huấn luyện với cách di chuyển thận trọng và các phương thức tấn công, phòng thủ theo tình huống đã quy định từ trước. Chỉ có một lực lượng thiết giáp nhỏ của Pháp được triển khai tác chiến, nhằm tránh ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiết tập trung vào các sư đoàn bộ binh", Heinz Guderian, một tướng chỉ huy tăng Đức viết trong hồi ký.
Bài học của lực lượng tăng thiết giáp Pháp cho thấy công nghệ mới không thể giúp quân đội giành chiến thắng nếu vẫn giữ tư duy tác chiến cũ. Chính tư duy quân sự gò bó của các tướng lĩnh đã khiến Pháp thất thủ trước cuộc xâm lược của Đức trong Thế chiến II, chuyên gia Beckhusen nhận định.
Theo Duy Sơn (VnExpress.net)